top of page

PHẦN MỘT: CẦN PHẢI CẦU NGUYỆN

 

Chương III:Cầu Cùng Các Thánh và Các Linh Hồn ở Luyện Ngục

Chương IV: Đức Mẹ Cầu Bầu

 

A. Các Thánh bầu cử cho ta

 

15. Đến đây, ta thấy nảu ra câu hỏi: "Có cần các thánh bầu cử để được ơn Chúa chăng?". Còn như cho rằng: xin các thánh làm môi giới để nhờ công nghiệp Chúa Giêsu mà được những ơn ta không đáng vì tội lỗi mình, là điều hợp lý và hữu ích... Mệnh đề này chính là giáo lý Hội Thánh đã tuyên bố trong Công đồng Trente. Calin đã kết án sự cầu khẩn các thánh, nhưng cử chỉ ấy trái lẽ mọi đàng. 

 

          Ta có thể xin những người nhân đức hiện đang sống, giúp đỡ và cầu nguyện cho ta, đó quả là một việc hữu ích. Bằng chứng là lời tiên tri Baruch xưa: "Xin anh em cũng cầu nguyện cùng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta cho chính chúng ta nữa, vì chúng ta đã xúc phạm đến Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta..."(Br 1,13). Và thánh Phaolô viết "Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa" (1Tx 5,25). Chính Chúa cũng muốn cho các bạn hữu ông Gióp cậy lời thánh nhân cầu nguyện, để nhờ công nghiệp người, Chúa lại gia ân cho họ như trước: "... Các ngươi hãy dâng lễ toàn thiêu để cầu nguyện cho các ngươi và Gióp, tôi tớ của Ta, sẽ chuyển cầu cho các ngươi. Ta sé đoái nhìn nó và sẽ không xử với các ngươi xứng với sự ngu xuẩn của các ngươi, vì các ngươi không nói đúng đắn về Ta như Gióp" (G 42,8). 

 

Vậy, nếu ta được xin kẻ còn sống cầu nguyện cho mình, thì đối với các thánh là những đấng đang hưởng tôn nhan Chúa, sao lại nỡ cấm đoán ta? Cử chỉ ấy đã không hại gì đến vinh danh Thiên Chúa, lại còn làm cho nó tăng thêm gấp đôi, cũng như khi ta tôn kính trọng các kẻ hầu hạ ngài nữa. 

 

          Vì thế, thánh Tôma nghĩ, nên chạy đến cùng nhiều vị thánh "bởi đôi khi, nhiều đấng chuyển cầu thì được cho ta điều mà một đấng không xin được". Nhưng, có kẻ chất vấn: Cần gì phải xin các thánh cầu nguyện cho, khi các đấng chỉ bầu cử cho những ai xứng đáng?". Thánh Tiến sĩ trả lời: "Chúng ta có thể không xứng đáng các thánh cầu bầu cho, nhưng vì sốt sắng chạy đến cùng các thánh thì đã được nên xứng đáng".

 

B. Các linh hồn nơi luyện ngục bầu cử cho ta

16. Tiếp đến, người ta bàn cải xem có nên cậy các đẳng bầu cử cho chăng? có kẻ cho là các linh hồn trong luyện hình không thể cầu nguyện cho ta. Họ dựa vào uy thế thánh Tôma, vì người đã dạy: các đẳng đang ở giữa những hình khổ để chịu tẩy luyện, nên họ có phần kém ta và không đủ điều kiện để cầu nguyện cho ta; họ còn cần đến ta cầu nguyện cho nữa là khác. 

 

         Dù vậy, nhiều nhà thần học, như Bellarmin, Sylvius, Hồng y Gotti, Lessius, Medina v.v... có lý lẽ mạnh hơn nhiều mà quyết đoán: "Ta phải số sắng tin rằng: Chúa tỏ cho các đẳng biết những lời ta cầu xin, để họ cầu nguyện cho ta, và như thế, giữa đôi bên, giữ được mối giây liên lạc của bác ái và cầu nguyện". Đối với Sylvius và Gotti, ý kiến nà không trái với lời thánh Tôma đã dạy: "Các đẳng, vì đang chịu tẩy luyện, nên không đủ điều kiện không có nghĩa là không thể cầu nguyện được.

 

           Quả thế, theo thánh Tôma, các đẳng hiện đang ở trong luyện ngục để chịu đau khổ, nên thua kém chúng ta và còn cần ta cầu thay cho nữa là khác; dù vậy, họ cũng có thể cầu nguyện vì họ là những linh hồn nghĩa thiết cùng Chúa. Nếu một người con được cha quý mến, song đã mất lòng cha, nên phải nhốt giam để sửa phạt, thì hẳn là người con ấy không còn xin được cho mình điều gì, nhưng ai cấm người ấy lấy lòng trông cậy bầu chữa cho kẻ khác trước mặt cha, vì biết lòng Chúa vẫn quý mến mình?

 

           Vậy, các đẳng, vì được Chúa rất yêu thương, và từ nay không còn sợ mất ơn nghĩa thánh, nên không có gì ngăn cản các đẳng cầu nguyện cho ta. Mặc dầu thế, Hội Thánh vẫn không có thói quen cầu xin và cậy quyền thế các đẳng, chẳng qua là vì các đẳng ấy thường không biết được những lời ta cầu nguyện. Song theo một thói quen đạo đức đã nói trên, người ta tin rằng: Chúa cho các đẳng biết những điều ta xin cùng họ, và như thế, các đẳng, lòng đầy bác ái, sẽ hằng chuyển cầu cho ta. Thánh nữ Catarina ở Bologne quen chạy đến cùng các đẳng, mỗi khi có ơn nào đặc biệt muốn xin, và thường sớm được như ý. Người còn quả quyết có nhiều ơn mà quyền thế các thánh xin cho không được, thì lại thấy Chúa ban cho, nhờ sự chuyển cầu của các linh hồn nơi luyện ngục.

 

C. Bổn phận ta phải cầu nguyện cho các đẳng

 

17. Đến đây, xin bàn sang một vấn đề thiết tưởng hữu ích cho các linh hồn lành thánh đang chịu giam cầm. Nếu chúng ta muốn họ giúp lời cầu nguyện cho, thì phần chúng ta, cũng phải ra sức giúp đỡ các đẳng bằng lời cầu nguyện và việc lành, đó là điều hợp lẽ.

 

           Tôi nói: "là điều hợp lẽ", nhưng thật ra, cần phải thêm: đó là một trong những bổn phận của giáo hữu, vì đức ái buộc ta giúp đỡ tha nhân, mỗi khi sự trợ giúp kia cần thiết cho kẻ ấy và ta có thể làm mà không thiệt hại gì quá nặng. Mà trong số anh em ta, chắc phải dành riêng một chỗ cho các đẳng, vì tuy các đẳng đã lìa khỏi cõi trần, nhưng không vì thế mà bị loại ra ngoài hàng ngũ các thánh thông công.

 

           Thánh Augustinô dạy: "Linh hồn các kẻ lành đã an nghỉ, không bị tách biệt khỏi Giáo Hội". Để minh xác hơn vấn đề, thánh Tôma quả quyết: "Lòng bác ái của ta đối với kẻ đã chết trong ơn nghĩa thánh là một cách nới rộng phạm vi của chính đức ái buộc phải có đối với anh em ta còn sống". Bởi vậy, ta có bổn phận phải tùy sức cứu giúp các linh hồn lành thánh ấy như là anh em ta, và bởi họ đang ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo hơn kẻ còn sống, thì đứng về phương diện đó, xem ra họ càng có quyền nhờ cậy ta giúp đỡ.

 

18. Nhưng số phận các linh hồn đang phải giam cầm ấy ra thế nào? Chắc rằng họ phải chịu đau đớn vô tả. Theo lời thánh Augustinô, "ngọn lửa đang nung đốt các đẳng ghê gớm hơn mọi hình khổ có thể dày xéo ta ở đời này". Thánh Tôma cũng đồng ý ấy, lại còn thêm: "Lửa này không khác lửa hỏa ngục".

 

            Đó là nói đến những hình khổ về giác quan, còn về hình khổ riêng cho kẻ dữ, thì còn cay đắng hơn gấp bội. Hình khổ ấy là sự không được xem thấy mặt Chúa; điều này làm cho các bạn trăm năm lành thánh của Chúa Giêsu chúng ta phải đau khổ. Vì chưng lòng họ nóng nảy yêu mến Chúa, chẳng những bằng một mối tình tự nhiên, mà còn bằng tình ái siêu nhiên, khiến họ khao khát được kết hợp với sự Thiện tuyệt đối. Nhưng tự biết vì lỗi mình, nên còn phải giam cầm thì họ đau đớn chua xót, đến nỗi nếu có thể chết được, âu là họ đã chết đi hằng giây, hằng phút.

 

            Như thế, theo thánh Gioan Kim Khẩu, sự không được hưởng mặt Chúa, đối với các đẳng, là một hình khổ nghìn lần đau đớn hơn hình khổ các giác quan. "Ngàn hỏa ngục hợp  lại cũng không đau đớn bằng sự chẳng được xem thấy Chúa" Các đẳng sẽ vui chịu mọi đau khổ khác, còn hơn là phải xa Chúa là Đấng lòng họ khát khao dù chỉ trong giây lát! Do đó, thánh Tiến sĩ thiên thần cho rằng "luyện ngục cay đắng hơn hết mọi đau đớn ta có thể chịu ở đời".

 

          Theo lời Denis de Chartreux thuật lại, thì một người chết được thánh Hiêrônimô cho sống lại, đã tuyên xưng cùng thánh Xyrillô ở Giêrusalem rằng: Đem sánh với một cực hình nhẹ nhất trong luyện ngục, thì tất cả mọi đau khổ trên thế gian chỉ là an ủi, vui thú. Phải-- người ấy tiếp --kẻ một phen đã nếm thử những đau khổ kia, sẽ thà chịu hết mọi đau đớn ở đời cho đến tận thế, mà chẳng thà chịu một hình phạt nhẹ nhất trong luyện ngục, dù chỉ một ngày. Vì đó, cũng chính Thánh Xyrillô đã nói: "Hình khổ ở luyện ngục và hỏa ngục giống nhau, nếu xét về phương diện đau đớn, chỉ khác một điều là những cực hình của luyện tội có ngày sẽ chấm dứt".

 

19. Vậy, các đẳng phải chịu những đau đớn cực độ, mà không có cách nào giúp đỡ chính mình. Như lời ông Gióp: "Họ đã bị xiềng xích gông cùm, bị trói buộc trong lầm than túng quẫn" (G 36,8). Các đẳng là những vì thiên tử, chắc sẽ có ngày ngồi trên ngôi báu, song chưa được bước lên đó, trước thời hạn tẩy luyện. Như thế họ vô phương tự trợ, hay có đi nữa, theo ý kiến của vài nhà thần học cho rằng, các đẳng có thể dùng lời cầu nguyện mà giảm bớt sự đau khổ của mình, thì họ cũng không làm được như lòng muốn. Các linh hồn ấy không sao phá được xiềng tỏa trước khi trả sạch hết nợ cho phép công bình Chúa, như chính lời của một thầy dòng Xitô, sau lúc chết, đã từ luyện ngục than thở với thầy giữ nhà nguyện rằng: "Xin hãy cầu nguyện giúp tôi vì tự mình tôi không thể xin được sự gì". Thật đúng như lời thanh Bônaventura: "Ăn xin, thì còn lấy đâu mà trả nợ". Hay nói cách khác, những linh hồn ấy nghèo khó đến nỗi không trả được nợ mình.

 

20. Thế mà, chắc chắn và buộc phải tin là ta có thể đỡ bớt đau khổ cho các linh hồn ấy bằng lời cầu nguyện, nhất là nhờ đọc những kinh đã đặc biệt được công nhận và cũng quen dùng trong Giáo Hội. Vậy, kẻ chỉ có mỗi việc là cầu nguyện, mà còn biếng trễ chẳng lo cứu giúp các đẳng, thì thử hỏi làm sao khỏi lỗi trước mặt Chúa?

 

21. Nhưng nếu ta không giúp các đẳng, vì là bổn phận phải làm, thì ít ra, đừng lãnh đạm với một việc đẹp lòng Chúa, khi ta ra sức cứu vớt những bạn chí ái của Người, để họ sớm được về kết hợp cùng Chúa trên nơi vĩnh phúc. Sau cùng, những công nghiệp quý báu ta có thể lập được bởi đã rộng rãi thương giúp các linh hồn lành thánh ấy, tưởng cũng đủ khiến ta quyết định.

 

            Phần các đẳng, đầy lòng biết ơn, họ sẽ đánh đúng giá việc lành cao cả ta đã làm, khi xoa dịu nỗi đau khổ của họ và dùng lời cầu nguyện, giúp họ sớm được về nơi vinh hiển. Khi đã về trời, họ sẽ không quên cầu nguyện cho ta. Lại nếu Chúa đã hứa thương những ai biết thương kẻ khác: "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5,7), thì ai có lòng cứu giúp các linh hồn lành thánh, đang phải đau khổ dường kia, song cũng rất nghĩa thiết cùng Chúa, ắt sẽ có lý mạnh mà trông cậy mình sẽ được ơn cứu rỗi.

 

            Sau khi toàn thắng quân thù và giải thoát dân Hi bá, Giônathan bị thân phụ là Saolê kết án tử hình vì đã lỗi lệnh vua, mà nếm một ít mật ong. Toàn dân liền kéo đến trước mặt vua, kêu van cả tiếng: "Ông Gionathan, người đã thực hiện cuộc chiến thắng vĩ đại này trong Israel, mà phải chết ư? Không đời nào!" (1Sm 14,45).

 

            Chúng ta cũng mong được như vậy, nếu ai trong chúng ta dùng lời cầu nguyện cứu được một linh hồn ra khỏi luyện ngục và đưa lên Thiên đàng. Linh hồn ấy sẽ thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa xin chớ để kẻ cứu con khỏi hình khổ, nay lại phải hư mất". Và nếu vua Saolê đã ân xá cho Giônathan vì lời dân kêu nài, thì Chúa cũng sẽ không từ chối ơn cứu rỗi cho linh hồn tín hữu kia, nhờ lời cầu nguyện của bạn trăm năm mình. Hơn nữa, thánh Augustinô quả quyết: Những ai khi còn sống đã nhiệt thành giúp đỡ các linh hồn nơi luyện tội, thì lúc họ sa vào đó, Chúa sẽ xúi giục kẻ khác cầu nguyện cho họ nhiều hơn.

 

22. Trên thực tế, ta nên chú ý đến một phương tiện tối hảo giúp đỡ các đẳng linh hồn là tham dự Thánh lễ theo ý họ và cậy vào công nghiệp sự thương khó Chúa Giêsu mà xin Thiên Chúa thương xót họ, vì như khi ta nguyện: "Lạy Chúa, tôi xin dâng của lễ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô cùng mọi đau khổ Người đã chịu lúc còn sống và trong giờ chết. Nhờ công nghiệp sự Thương Khó Người, xin Chúa thương xót các linh hồn nơi luyện ngục, cách riêng...".

 

          Đồng thời, phú dâng cho Chúa mọi kẻ đang hấp hối sinh thì, cũng là một việc bác ái rất trọng.

 

D. Cầu xin các Thánh có phải là điều là điều cần thiệt chăng?

 

23. Chúng ta vừa bàn đến các linh hồn nơi luyện ngục, xem họ có thể cầu nguyện cho ta hay không, và do đó, xin họ bầu cử cho ta, nghĩ có ích lợi gì chăng? Tất cả những câu hỏi đó hẳn là không thành vấn đề đối với các thánh đã được Giáo Hội tôn vinh và hiện đang hưởng nhan thánh Chúa. Cho rằng Giáo Hội có thể sai lầm trong khi hiến dâng các thánh, thì theo thánh Bonaventura, Bellarmin và nhiều thánh khác, là một điều không thể tránh khỏi sai lỗi hay lạc giáo được, hoặc ít ra, theo Suarez, Azor Gotti v.v... nó cũng gần như lạc giáo. Vì, như thánh Tiến sĩ thiên thần dạy, cách riêng trong khi tôn vinh các thánh, Đức Giáo Hoàng được ơn vô ngộ của Chúa Thánh Linh trợ giúp.

 

24. Nhưng ta hãy trở lại thắc mắc nêu ra lúc nãy: Có buộc phải nhờ các thánh bầu cử cho chăng?

 

             Tuy không dám tự phụ giải quyết vấn đề, song tôi không thể không trình bày ra đây lý thuyết thánh Tôma.

 

            Trước tiên, trong nhiều đoạn đã trích dẫn ra trên, cách riêng ở sách Châm Ngôn, người coi như một điều chắc chắn buộc mọi người phải cầu nguyện. Người quả quyết: Nếu không xin, thì ta không có cách nào khác để được những ơn cần thiết cho phần rỗi. Cũng trong một đoạn khác của sách ấy, thánh nhân đã nêu ra thắc mắc này: "Ta có cần phải cầu xin để các thánh bầu cử cho chăng?". Và người đáp: (Để hiểu rõ ý kiến thánh nhân, tưởng cần phải trích ra đây trọn bản văn của ngài) "Theo Denys l'Aréopagite: Trong hết mọi sự, trật tự Chúa đã ra muốn cho các tạo vật hạ cấp phải qua trung gian mà về lại cùng Chúa. Mà bởi các thánh nay đã về quê thật, nên rất được thân cận với Chúa, thành thử trật tự Chúa đã ấn định, đòi ta là kẻ hiện đang sống trong xác  phàm, trên đường xa xôi cách mặt Chúa, ta phải nhờ các thánh làm trung gian mà về lại với Người. Điều này được thực hiện, khi ảnh hưởng của lòng nhân từ Chúa lan rộng đến ta, qua trung gian các đấng. Bởi ta phải về lại với Chúa theo đường lối lòng thương xót Người đã dùng mà đến cùng ta, và như các hồng ân Chúa đã nhờ sự bầu cử của các thánh mà đến cùng ta, thì ta cũng phải nhờ môi giới các đấng mà về lại  với Chúa, để lại được lãnh nhận các ơn lành Người. Do đó, khi chúng ta xin các đấng cầu nguyện cho mình, ta nhờ cậy các ngài biện hộ cho ta trước tòa Chúa, như những vị môi giới giữa Chúa và ta".

 

           Ta nên chú ý đến những lời này: "Trật tự Chúa đã đặt", các riêng câu: "Như nhờ các thánh bầu cử mà ơn lành Chúa xuống cùng ta, thì ta cũng phải đi một con đường ấy mà về cùng Chúa, để lại được hưởng những hồng ân của Người, qua môi giới các thánh". Như thế, theo thánh Tôma, trật tự của lề luật Thiên Chúa đòi chúng ta là những kẻ phàm trần, phải nhờ các thánh mà mưu phần rỗi, bằng cách cậy môi giới các đấng mà xin được những ơn trợ giúp cần thiết cho việc rỗi linh hồn.

 

           Thánh nhân tự hỏi: "Chạy đến cùng các thánh, xem ra là một việc dư thừa, vì Chúa rất nhân từ lân mẫn và sẵn sàng nhậm lời ta hơn các đấng", rồi người trả lời:" Chúa đã sắp đặt như thế, không phải vì thiếu quyền năng, song là để duy trì trật tự chính đáng mà Người đã đặt ra cho toàn vũ trụ, là dùng những nguyên nhân phụ mà tác động".

 

25. Dựa vào uy thế thánh Tôma và đồng ý với Sylvius vị kế nghiệp cha Tournely viết: "Cho dù chỉ một mình Chúa là nguyên nhân ân sủng, song chúng ta cần phải chạy đến xin các thánh chuyển cầu cho, hầu trong việc phần rỗi, chúng ta tuân theo trật tự Chúa đã ấn định là kẻ dưới phải cậy nhờ người trên giúp đỡ mà mưu phần rỗi mình".

bottom of page