



TỔNG HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔi
ARCHCONFRATERNITY OF THE MOST HOLY ROSARY
j
số hội viên hiện tại: 346600

Tiểu Sử
Thánh Nữ Faustina Kowalska
(1905- 1938)
Nữ tu Maria Faustina Kowalska, thường được gọi là Thánh Faustina, tên là Helena Kowalska, sinh vào ngày 25 tháng 08 năm 1905 tại thành phố Glogowiec, thời ấy thuộc Đế Quốc Nga. Chị qua đời vào ngày 05 tháng 10 năm 1938 vì chứng bệnh lao phổi tại tu viện Dòng Tỉ Mội Đức Mẹ Thương Xót ở Crakow, Balan. Chị đã được Đức Giáo Hoàng tôn phong hiển thánh vào ngày 30 tháng 04 năm 2000 với tước hiệu: Tông Đồ của Lòng Chúa Thương Xót.
Thánh nữ là một nhà thần bí vĩ đại của dân tộc Balan. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, Helena Kowalska là người con thứ ba trong mười anh chị em và chỉ được học đến lớp 2 tiểu học mà thôi.
Ngay từ nhỏ, chị đã là một cô bé rất đạo đức. Khi lên 15 tuổi, chị xin đi tu nhưng cha mẹ từ chối. Năm năm sau, khi lên 20 tuổi, chi được phép gia nhập Dòng Tỉ Muội Đức Mẹ Thương Xót, lấy tên là Maria Faustina Bí Tích Cực Thánh. Trong tu viện chị làm những công việc rất hèn mọn như lo bếp núc, vườn tược, giữ nhà và gác cổng. Chị làm tất cả mọi công việc với lòng khiêm nhường và vâng phục.
Vào ngày 22 tháng 02 năm 1931, chị Faustina được một thị kiến. Chúa Giesu hiện đến với chị và chị thấy toàn thân Chúa rạng sáng và từ Trái Tim Cực Thánh Chúa tỏa chiếu hai luồng sáng Thương Xót phá tan bóng tối xung quanh tượng trưng cho sự chết. Chân Chúa đang bước tới gần con người để kêu gọi mọi người trông nhìn lên Chúa. Tay trái của Chúa chỉ vào tim như mời gọi con người hãy tin cậy vào Lòng Chúa Thương Xót. Còn tay phải Chúa giơ lên trong tư thế chúc lành và chuẩn bị ban ơn tha thứ. Chúa muốn mọi người, nhất là những tội nhận, tin cậy vào Lòng Thương Xót của Ngài. Vì vậy, Ngài đã truyền cho chị Faustina phải làm ra một bức ảnh, họa lại cảnh tượng trong thị kiến và ở phía dước phải ký với dòng chữ: "Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy vào Ngài".
Chúa ban cho chị Thánh Faustina một đặc phúc: Ngài gọi chị là Tông Đồ và Thư Ký của Lòng Thương Xót. Ngài còn truyền cho chị phải ghi chép lại Thông Điệp Lòng Chúa Thương Xót trong quyển nhật ký của chị để nhiều người được biết đến và tin tưởng vào Ngài.
Từ năm 1931 đến 1938 , trước khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, chị Thánh Faustina liên tục đón nhận các thị kiến từ Chúa Giêsu. Chúa dạy rằng Lòng Thương Xót của Ngài vô biên vô tận và luôn sẵn chờ tất cả mọi người, nhất là các linh hồn tội lỗi hơn hết. Không những vậy, Chúa còn mặc khải và ban cho chị các phương thế để giúp con người đón nhận Lòng Chúa Thương Xót và đáp lại tình Ngài. Cuối cùng, Chúa hứa sẽ ban thưởng nhiều ân phúc cho những ai tin cậy và thể hiện Lòng Thương Xót.
Chị Faustina lâm bệnh nặng và phải chịu nhiều đớn đau, nhưng chị đã thầm lặng dâng tất cả lên Thiên Chúa làm hy lễ cầu thay cho các linh hồn tội lỗi. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1938 , chị Faustina qua đời tại Crako'w vì chứng bệnh lao phổi. Năm ấy chị được 33 tuổi !
Tuy vậy, Thông Điệp Lòng Chúa Thương Xót đã được loan truyền nhiều nơi trước năm 1938 . Nhất là vào thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939 - 1945) , hàng vạn người ở Balan, Lithuania và các nước Đông Âu đã tìm đến Lòng Chúa Thương Xót để được chở che và an ủi.
Hai mươi (20) năm sau, đúng như lời Thánh Faustina đã báo trước, việc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót bị đình chỉ. Năm 1958 , Tòa Thánh ra lệnh cấm phổ biến thông điệp Lòng Chúa Thương Xót, chỉ vì Tòa Thánh nhận được một bản dịch sai lạc, tạo hoang mang cho nhiều người. Rồi sau 20 năm, nhờ sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Crako'w là Đức Cha Karol Wojtyla, Tòa Thánh ban sắc lệnh hóa giải việc cấm chỉ ấy vào ngày 15 tháng 05 năm 1978 . Sáu tháng sau cũng trong năm ấy, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục karol Wojtyla được bầu lên làm Giáo Hoàng lấy tông hiệu là Gioan Phaolô đệ Nhị.
Vào năm 981 , Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành Tông Thư Dives in Misericordia - Giàu Lòng Thương Xót, tuyên bố rằng Chúa Kitô là "Nguồn Thương Xót vô biên" và Ngài chính là "Lòng Thương Xót nhập thể". Đồng thời, Giáo Hội có "quyền và bổn phận" loan truyền Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thế giới (Devis in Misericordia, n. 12-15).
Như Thánh nữ Faustina đã tiên đoán, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót sẽ được loan truyền khắp nơi trên toàn thế giới và nay đã đến với dân Việt chúng ta. Dân Việt ta xuyên suốt thế kỷ 20 đã phải trải qua biết bao thăng trầm thương đau, không lời nào kể xiết. Những vết thương ấy vẫn còn hoành hành trong lòng mỗi một con dân Việt, nơi gia đình xã hội và đất nước. Dân Việt cần được chữa lành và không có liều thuốc nào linh nghiệm hơn là thần dược của việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.
Liều thuốc ấy nay đã đến tay dân Việt mình. Vậy chúng ta hãy bước vào mầu nhiệm vô biên, chính là biển cả Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu.
Phép lạ tại mộ Thánh FAUSTINA
Trước tuổi 15, Maureen Digan có sức khỏe bình thường. Nhưng rồi Maureen phát triển chậm và bị chứng phù bạch huyết (lymphedema). Bệnh này kháng thuốc và không thuyên giảm. Trong 10 năm kế tiếp, Maureen phải phẫu thuật 59 lần và phải lưu trú dài hạn trong bệnh viện, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Thân nhân và bạn bè bảo Maureen nên cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa. Như g Maureen không hiểu tại sao Thiên Chúa lại bắt mình chịu căn bệnh quái ác như vậy, và Maureen hầu như mất niềm tin.
Cuối cùng, tình trạng sức khỏe buộc Maureen phải cắt bỏ một chân. Một buổi chiều, khi Maureen đang ở trong bệnh viện, người chồng là Bob xem phim “Divine Mercy No Escape” (Lòng Thương Xót Không Lối Thoát), và Bob cảm thấy tin vào khả năng chữa lành nhờ sự cầu bầu của Thánh nữ Faustina. Bob thuyết phục vợ và các bác sĩ rằng Maureen nên đến mộ của Thánh Faustina (1905-1938) ở Ba Lan. Và rồi họ đến Ba Lan ngày 23-3-1981. Maureen xưng tội sau nhiều năm không xưng tội. Tại mộ Thánh Faustina (nay là Đền Thánh Faustina), Maureen đã nói: “Thưa Thánh Faustina, con đến từ rất xa, xin thánh nữ hãy làm con điều gì đó ngay bây giờ”.
Tự đáy lòng, Maureen nghe tiếng Thánh Faustina nói: “Nếu chị cần tôi giúp đỡ, tôi sẽ giúp chị”. Maureen Maureen thấy mình rất bồi hồi. Mọi cơn đau nhức hầu như không còn và cái chân sưng vù vì mới phải cắt bỏ bỗng trở nên bình thường. Khi trở về Hoa Kỳ, Maureen được xét nghiệm bởi 5 bác sĩ khác nhau, họ đều kết luận rằng Maureen đã hoàn toàn khỏi bệnh. Họ không thể giải thích về y khoa đối với việc khỏi bệnh kỳ lạ như vậy. Chứng cớ này được đệ trình lên Bộ Tuyên Thánh của Tòa Thánh. Cuối cùng, Tòa Thánh công nhận đó là phép lạ nhờ sự can thiệp của Thánh Faustina đối với Lòng Chúa Thương Xót.
Trong cuốn Nhật Ký, Thánh Faustina tiên báo rằng công việc của Chị sẽ bị cấm một thời gian, nhưng rồi sẽ được chấp thuận. Sau khi Thánh Faustina qua đời được 20 năm, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót bị Tòa Thánh cấm, mãi tới năm 1978 mới được Tòa Thánh chấp nhận,tức là sau 40 năm. Đó là nhờ công của Thánh GH Gioan Phaolô II, và Thánh Faustina trở thành vị thánh đầu tiên của thế kỷ 21. Nữ tu Faustina đã được Thánh GH Gioan Phaolô II tôn phong chân phước vào ngày 18-4-1993 và tôn phong hiển thánh vào ngày 30-4-2000.
Từ đó, nhưng muôn hoa nở rộ sau cơn mưa đầu mùa, Lòng Chúa Thương Xót hiện nay được nhiều người Công giáo sùng kính trên khắp thế giới, từ thành thị tới thôn quê.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ English.Santisimavirgen.com.ar)
