top of page

PHẦN BA: CÁCH THỨC PHẢI CẦU NGUYỆN

tiếp theo chương III.....

 

Nên chú ý đến lời này của thánh Giacôbê: "Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách" (Gc 1,5).

 

        Hết thảy những ai cháy đến cùng Chúa, đều được chấp nhận và no đầy ơn phúc, ít là "Người rộng tay ban phát sự lành". Chúng ta nên chú ý cách riêng đến những tiếng "không có lời khiển trách". Câu này phải hiểu:  

cách Chúa xử đãi khác hẳn chúng ta. Vì nếu ai trước đã có lần xúc phạm đến ta, nay lại nhờ cậy ta, ắt chúng ta không khỏi tiện dịp mà khiển trách cách ăn ở của họ xưa. Phần Chúa, không hề cư xử như thế với kẻ kêu xin, cho dù người ấy tội lỗi nhất trong nhân loại cũng vậy. Khi nó xin một ơn hữu ích cho phần rỗi, Chúa không nhắc lại những điều xúc phạm xưa, một mau mắn đón nhận, an ủi kẻ ấy, nghe lời nó cầu xin và rộng tay ban cho nó tràn trề mọi ơn phúc, như thể nó chưa khi nào làm mất lòng Người.

 

29. để khuyến khhích ta cầu nguyện, Chúa Cứu Thế đã phán: "Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy" (Ga 16,23). Lúc khác Người nói: "Hỡi tội nhân, chớ ngã lòng, đừng để tội lỗi ngăn cản chúng con chạy đến cùng Cha Ta và trông cậy nơi Người ơn phần rỗi, nếu quả chúng con muốn. Chúng con không có công phúc gì để đáng được ơn, trái lại, đã làm những điều bất chính đáng trọng phạt. Thì này đây, hãy lấy danh Ta và cậy công nghiệp Ta mà đến cùng Đức Chúa Cha; hãy xin Người mọi điều ước muốn. Và Ta, Ta đoan hứa với chúng con, hết những gì chúng con xin, Cha Ta sẽ ban cho. "Thật, thật, Thầy bảo chúng con", có nghĩa như một lời thề hứa!

 

        Ôi! Lạy Chúa, đối với một tội nhân đã sa ngã khốn nạn, còn an ủi nào hơn là biết chắc mình sẽ được Chúa ban cho hết mọi sự, nếu lấy danh Chúa Giêsu mà xin!

 

30. Tôi nói - hết những gì liên hệ đến phần rỗi - vì chưng, đối với của đời tạm gởi, như đã bàn đến ở trên, đôi khi ta nài van, khẩn khoản, mà Chúa cũng chẳng cho, bởi biết các của ấy sẽ làm hại các linh hồn ta. còn như những của thiêng liêng, thì Chúa hứa chấp nhận mọi điều ta xin; ở đây, lời Người không có điều kiện, song là một lời hứa tuyệt đối. Bởi đó, thánh Augustinô dạy: Điều gì Chúa hứa cách tuyệt đối, khi xin, ta phải chắc mình sẽ được". Người còn thêm: Nếu ta hết lòng trông cậy cầu nguyện, thì làm sao Chúa có thể từ chối ta điều gì, khi Người nóng lòng phân phát ơn lành cho ta hơn ta ước ao nhận lấy ơn Người?

 

31. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, "Chúa chỉ oán giận, khi thấy chúng ta lơ đễnh không xin các ơn lành. Nếu thế, thì nỡ lòng nào Chúa lại khước từ với một linh hồn, khi nó xin toàn những sự hợp thánh ý Người?

 

        Nếu linh hồn thưa: Lạy Chúa, con không ước ao những của đời này: giàusang, vui thú, danh vọng, nhưng con chỉ xin cho được ơnthánh Chúa; xin cứu con khỏi tội lỗi, ban cho con ơn chết lành và được phúc thiên đàng; cách riêng, xin ban cho con lòng mến Chúa (điều mà thánh Phanxicô dạy ta phải xin hơn hết), lòng nhẫn nhục vâng theo ý Chúa. Khi linh hồn cầu nguyện như thế, lẽ nào Chúa cọ thể không đoái nhậm? Thánh Augustinô thưa:  "Lạy Chúa, nếu chúng con xin những sự vừa ý Chúa mà Chúa chẳng nghe, thì Chúa sẽ đoái nghe những sự gì?".

 

         Nhưng điều có sức giục lòng ta cậy trông hơn cả, lúc ta xin Chúa các ơn thiêng liêng, là chính lời Chúa Giêsu đã dạy: "Nếu chúng bay là kẻ dữ mà biết cho con cái mình những của tốt lành, thì còn hơn nữa, Cha bay trên trời lại sẽ chẳng  ban Thánh linh cho kẻ cầu xin sao?".

 

 

Lúc khác Chúa nói: Ích kỷ và đầy tự ái như bay mà còn không từ chối được với con cái những điều nó xin, thì huống hồ Cha bay trên trời, yêu thương bay hơn mọi người cha dưới thế, mà không ban cho bay những ơn lành thiêng liêng, khi bay cầu xin Người hay sao?

 

 

Chương IV: Bến Đỗ Cầu Nguyện

 

A. Phải nài xin luôn mãi ơn bền đỗ đến cùng

 

32. Cần thiết chúng ta phải cầu nguyện cách khiêm nhường và trông cậy. Nhưng, chừng ấy cũng chưa đủ để ta chắc chắn bền đỗ tới cùng và được rỗi linh hồn. Những kinh lẻ tẻ ta dâng lên Chúa, rất có thể xin cho ta được nhiều ơn riêng, song nếu không tiếp tục mãi, thì nó cũng chẳng xin được cho ta ơn bền đỗ đến cùng, ơn mà ta phải xin đi, xinlại cho đến chết, vì là kết quả của muôn vàn ơn khác hợp lại.

 

         Ơn phần rỗi không chỉ là một ơn riêng biệt, mà là cả một chuỗi ơn, tất cả đều nối liền với ơn bền đỗ cuối cùng. Đi đôi với chuỗi ơn ấy, có thể nói cần phải có một chuỗi lời ta cầu nguyện. Nếu vì biếng trễ mà chuỗi lời cầu xin kia gián đoạn, thì chuỗi ơn thánh cũng sẽ bị đứt mất và chúng ta không còn được cứu rỗi nữa.

 

33. Thật ra, chúng ta không thể nào đáng được ơn bền đỗ đến cùng, như lời thánh Công đồng Trentô dạy: "Ơn ấy chỉ có thể bắt nguồn từ Đấng đủ quyền lực nâng đỡ kẻ đang đứng, cho nó đứng vững đến cùng". Dầu vậy, thánh Augustinô quả quyết: Ơn bền đỗ quý trọng kia, ta có thể đáng được một cách nào, bởi lời cầu nguyện, nghĩa là nếu xin thì Chúa sẽ ban cho.

 

        Cha Suarez thêm: "Kẻ cầu nguyện, chắc ssẽ được bền đỗ. Nhưng muốn được như vậy, thì theo thánh Tôma, cần phải vững lòng cầu nguyện không ngừng vì sau phép Thánh Tẩy, con người phải liên lỉ cầu xin, mới vào được Nước Trời".

 

         Trước các tác giả trên, chúa Cứu Thế đã nhiều lần phán bảo: "Phải cầu nguyện luôn không được nản chí" (Lc 18,1). "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt con Người" (Lc 21,36).

 

        Lời nhắn nhủ ấy, ta đã thấy trong Cựu Ước: "Hãy giữ lời khấn hứa đúng thời, đừng chậm trễ" (Hc 18,22).

 

         Trong mọi lúc, hãy ngợi khen Chúa và xin Người hướng dẫn con trên mọi đường nẻo con đi"

 

         Vì đó, thánh Tông đồ giục bảo các môn đệ chớ khi nào xao lãng việc cầu nguyện: "Anh em hãy cầu nguyện không ngừng" (1Tx 5,17). "Anh em hãy siêng năng cầu nguyện" (Cl 4,2). "Hãy cầu nguyện bất cứ nơi nào" (1Tm 2,8).

 

         Chúa hằng sẵn sàng ban cho chúng ta ơn bền đỗ và sự sống đời đời, nhưng theo lời thánh Nilô, Người chỉ muốn ban ơn ấy cho kẻ bền đỗ cầu xin. Nhờ ơn thánh, rất nhiều người tội lỗi đã có thể trở lại cùng Chúa và được tha thứ; nhưng sau đó, vì đã bỏ không xin ơn bền đỗ, nên họ lại sa ngã và mất hết mọi sự.

 

34. Thánh Bellarmin nói: Chỉ xin ơn bền đỗ một đôi lần, chưa đủ. Muốn được, cần phải xin ơn ấy luôn luôn, xin mỗi ngày, cho đến chết. "Ngày nào cũng xin bền đỗ ngày ấy". Ai xin cho một ngày, sẽ được vững chân trong ngày ấy; nếu mai đến, nó chẳng xin, nó sẽ sa ngã. Đó là điều Chúa Cứu Thế muốn dạy ta trong ngụ ngôn, người bạn chỉ thuận cho mượn bánh, sau khi kẻ kia nài nỉ, van lơn mãi: "Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần" (Lc 11,8).

 

Thánh Augustinô suy nghĩ: Nếu bạn hữu kia, nguyên vì để khỏi bị quấy rối mà dù không muốn, cũng phải cho bạn mình bánh nó xin, thì Chúa tốt lành vô cùng và sẵn lòng thông ban các ơn lành của Người, sẽ càng mau mắn ban những sự ta xin biết bao? Hơn nữa, chính Chúa thúc giục ta nài xin các ơn ấy và Người cực lòng khi thấy ta không cầu xin!

 

           Như thế, nghĩa là Chúa hằng sẵn sàng ban cho ta phần rỗi với mọi ơn cần thiết, chỉ buộc ta phải xin mà không hề nản lòng, xin mãi, đến như quấy rầy Chúa mà cũng không thôi. Bàn về câu sách Phúc Âm vừa trích ra trên, Cha Cornêliô a Lapiđê viết: "Chúa muốn thấy ta bền đỗ cầu nguyện đến như làm Chúa phải bực mình". Người đời thường không chịu được những kẻ hay đến  phá rối, còn Chúa thì khác, chẳng  những Người chịu đựng ta, lại còn ước ao thấy ta đến quấy rầy, van xin  các ơn lành, nhất là ơn bền đỗ lành thánh. Theo thánh Grêgôriô, Chúa muốn ta dùng lời cầu nguyện mà nài ép Người. "Sự ấy, thay vì làm Chúa giận dữ, lại khiến Người vui thỏa".

 

35. Thành ra, để được ơn bền đỗ, ta cần phải luôn phó mình trong tay Chúa, sáng, chiều, khi nguyện ngắm, lúc dự lễ, rước lễ; phó mình trong tay Chúa mọi lúc, mà nhất là trong cơn cám dỗ, ta hãy lặp đi lặp lại lời này: "Lạy Chúa, xin cứu giúp tôi; lạy Chúa, xin nâng đỡ tôi, hãy giang tay trên tôi và đừng từ bỏ tôi; xin Chúa thương xót tôi cùng".

 

         Nào có gì dễ dàng hơn là thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, xin cứu giúp tôi, xin nâng đỡ tôi?". "Con ngân nga bài thánh nhạc thâu đêm, thành kinh nguyện dâng Chúa Trời nguồn sống" (Tv 41,9). Về lời Thánh Vịnh này, các nhà chú giải bàn rộng. Có kẻ nói: Ăn chay, bố thí, tôi không đủ sức. Song nếu bảo họ: Bạn hãy cầu nguyện ắt họ không còn lẽ chữa mình được nữa, vì không gì dễ dàng hơn cầu nguyện.

 

         Chúng ta không hề được bỏ cầu xin, song phải ra như liên lỉ nài ép Chúa để Người luôn cứu ta. Ông Tertulianô nói: "Sự ta cưỡng bách Chúa như vậy rất đẹp lòng Người". Và thánh Hiêrônimô quả quyết: "Khi cầu nguyện, ta càng vững dạ nài van, càng được Chúa chấp nhận".

 

36. Chúa Thánh Linh phán: "Phúc thay người lắng nghe Ta dạy ngày ngày (lấy lời cầu nguyện) canh thức trước cửa nhà Ta" (Cv 8,34).  

 

         Tiên tri Isaia thêm: "Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người!" (Is 30,18) đợi chờ ơn phần rỗi Chúa, bằng cách bền đỗ cầu nguyện cho đến cùng. Vì thế, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hằng thúc giục ta cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện thể nào? "Cứ xin, thì sẽ được; cứ tìm, thì sẽ gặp; cứ gõ cửa, thì sẽ mở ra cho" (Lc 11,9). Nói rằng: "hãy tìm, hãy gõ cửa?". Nhưng thật ra, đó không phải là một lời dư thừa.

 

         Với các lời ấy, Chúa Cứu Thế ngụ ý muốn dạy ta phải bắt chước kẻ bần cùng khi xin của bố thí. Chưa được của làm của làm phúc mà đã bị xua đuổi, họ không ngại đến lại và cứ nài nỉ mãi. Nếu chủ nhà không thèm ra, họ sẽ đứng ngoài gõ cửa, đến làm cho ông chủ bực mình, khó chịu. Đó là cách Chúa muốn chúng ta ăn ở cùng Người: một lần chưa được, ta hãy cầu nguyện lần thứ hai; luôn luôn xin Chúa bênh đỡ, cứu giúp, soi sáng, thêm sức mạnh và đừng để ta mất ơn nghĩa thánh. Nhà thông thái Lessius dạy rằng: Kẻ đang ở trong tội trọng hay phải hiểm nghèo, mà không cầu nguyện, hay bỏ cầu nguyện trong một thời gian lâu dài nghĩa là, một hay hai tháng, thì không khỏi mắc lỗi nặng. Đó là nói về lúc bình thường, còn trong cơn cám dỗ nguy hiểm, nếu hiểu rằng, không cầu nguyện, ắt liều mình sẽ sa ngã, mà vẫn không xin Chúa giúp sức để đối phó, thì hẳn kẻ ấy sẽ phạm một tội trọng.

 

B. Vì đâu Chúa trì hoãn, chưa cho ta ơn bền đỗ sau hết?

37. Có kẻ nói: Nếu Chúa muốn và có thể ban cho tôi ơn bền đỗ, cớ sao khi tôi xin, Người lại chẳng ban ơn ấy một lâǹ cho xong?

 

         Các Giáo Phụ nêu ra rất nhiều lý chứng để giải quyết vấn đề này và cho rằng, chúa không ban cho ta trong một lúc ơn bền đỗ cuối cùng, là cốt để thử lòng trông cậy ta. Một lẽ lkhác, theo thánh Augustinô, là để giục lòng ta càng thêm khát vọng hơn. "Những ơn cao quý đòi hỏi một lòng ao ước nồng nhiệt". Vì rằng, của gì chóng được, thường ta không quý bằng những vật lâu ngày mong ước.

 

         Chúa cũng xử với ta như thế, để ta khỏi quên Người. Nếu chúng ta chắc chắn wẽ bền đỗ và được rỗi, âu là chẳng cần gì phải Chúa giúp đỡ liên lỉ, ta mới giữ nghĩa cùng Người và mưu phần rỗi được. Như thế, chúng ta sẽ dễ dàng quên Chúa. Có thiếu thốn, người bần khổ mới lai vãng nhà kẻ giàu sang. Cũng một lẽ, theo ý thánh Gioan Kim Khẩu, để thối thúc ta đến cùng Người, và để năng được thấy ta sụp quỳ dước chân Chúa, hầu Người có thể ban cho ta thêm nhiều ơn phúc, thì Chúa đã hoãn lại đến giờ chết mới ban cho ta ơn phần rỗi trọn vẹn.

 

         Sau hết, Chúa muốn thế, để ta luôn tiếp tục cầu nguyện, và nhờ đó, siết chặt hơn những mối dây tình ái kịu dàng đối với Người. Cũng thánh Gioan Kim Khẩu dạy: "Sự cầu nguyện giúp ta quen nói khó cùng Chúa, nên nhờ đó, nối ta lại với Người bằng một dây tình ái bền bỉ". Luôn luôn chạy đến kêu xin Chúa và trông cậy chờ đợi mọi ơn mong muốn, ôi! còn lửa nào nồng nhiệt hơn, còn dây tình ái nào chặt chẽ bằng, để hun nóng lòng ta yêu mến Chúa và mật thiết kết hợp ta với Người?

 

38. Song ta phải cầu nguyện cho đến bao giờ? Thánh Gioan Kim Khẩu trả lời: "Luôn mãi! Cho đến lúc được nghe án lành về số phận đời đời của ta". Nói cách khác: Phải cầu nguyện cho đến chết! "Anh em chớ thôi cầu nguyện, bao lâu chưa nhận được ơn". Người còn thêm: "Ai dám quả quyết: Tôi sẽ không bỏ cầu nguyện cho đến khi thấy mình được rỗi, "chắc chắn kẻ ấy chẳng mất linh hồn".

 

          Thánh Tông đồ dạy: Nhiều người cùng chạy để tranh giải, song chỉ một người được thưởng, là kẻ đã thắng: "Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng"  (1Cr 9,24).

 

        Muốn được rỗi, cầu nguyện mà ghôi, chưa đủ! Phải cầu nguyện luôn, cầu nguyện cho đến lúc nhận được phần thưởng Chúa đã hứa, và chỉ hứa ban cho những ai bần chí cầu nguyện đến cùng.

 

39. Vậy muốn rỗi linh hồn, chúng ta phải theo gương vua Đavít mà hằng quay mặt về Chúa xin ơn trợ giúp để khỏi kẻ thù đánh bại. "Mắt tôi nhìn Chúa không biết mỏi vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới" (Tv 24,15).

 

        Ma quỷ luôn luôn tìm dịp đặt bẫy bắt sống ta, như lời thánh Phêrô: "Ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1Pr 5,8). Do đó, ta phải luôn sẵn sàng tay cầm khí giới, kháng cự và nói như thánh vương Đavít xưa: "Con đuổi theo bắt được quân thù, chỉ trở về khi chúng bị dẹp tan" (Tv 17,38). Tôi sẽ chẳng bỏ mặt trận, bao lâu chưa thấy kẻ thù thua chạy tán loạn.

 

         Nhưng, làm sao chiến thắng trong một trận khó khăn và hệ trọng như kia? Thánh Augustinô trả lời: "Chỉ cần cầu nguyện, song phải cầu nguyện bền đỗ".

 

cCầu nguyện cho đến bao giờ? - Bao lâu còn chiến đấu! Thế mà ta phải chiến đếu không ngừng, nên cũng không hề được thôi kêu xin Chúa thương xót. Ta luôn chiến đấu, thì cũng phải luôn xin Chúa cứu giúp kẻo thất bại chăng! Kẻ đang ở giữa trận tuyến mà bỏ cầu nguyện, thì sách Khôn Ngoan gọi nó là người khốn nạn: "Khốn cho các người, những kẻ mất kiên nhẫn" (Hc 2,14).

 

         Theo lời thánh Tông đồ khuyên dặn, chúng ta chỉ được rỗi với điều kiện "Phải giữ vững đến cùng lòng tin tưởng và thái độ hiên ngang về niềm hy vọng của chúng ta" (Dt 3,6) nghĩa là phải kiên nhẫn, trông cậy mà cầu nguyện cho đến chết.

 

40.  Được phấn khởi nhờ lượng nhân từ Chúa, cũng như nhờ các lời Người hứa, chúng ta hãy nói như thánh Tông đồ: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô" Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng oã yêu mến chúng ta" (Rm 8,35-37).

 

       Phải, người nói, không bao giờ gian khổ, lo sợ, nguy hiểm, bách hại hay hình khổ nào có thể phân lìa chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô. Vì rằng, nhờ ơn Chúa trợ giúp, trong khi chiến đấu vì yêu mến Thầy chí thánh, Đấng đã hy sinh mạng sống vì ta, chúng ta sẽ lướt thắng mọi trở ngại.

 

        Vì sợ sau này lỡ ra yếu đuối mà thất trung chăng, nên Cha Hippolyte Durazzo, trong ngày quyết tâm từ bỏ mọi chức quyền trong GiáoHội để vào Dòng Tên, tận hiến cho chúa, đã nguyện lời này: "Lạy Chúa, bây giờ con đã tận hiến cho Chúa, thì xin Chúa thương xót, chớ còn bỏ con". Người liền nghe Chúa đáp lại trong lòng: "Đúng hơn chính Ta phải nhắn nhủ con đừng bỏ Ta".

 

        Rốt cuộc, đấng đầy tớ Chúa, cậy vào lòng Chúa nhân từ và ơn Người trợ giúp, đã kết luận bằng lời này: "Vậy, lạy chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ con, thì con cũng không hề bỏ Chúa".

 

41. Nói tóm lại, nếu muốn khỏi Chúa bỏ, thì phần ta, phải luôn nài xin đừng để ta bỏ Chúa. Làm như vậy, chắc chắn ta sẽ luôn được ơn Chúa trợ giúp. Người sẽ không hề để ta lìa cách Người và bỏ mất tình thân ái với Người nữa.

 

        Vì ý ấy, ta hãy chủ tâm xin chẳng những ơn bền đỗ cuối cùng và các ơn khác cần thiết cho được bền đỗ, mà đồng thời, cũng hãy xin trước ơn bền đỗ, mà đồng thời, cũng hãy xin trước ơn biết cầu nguyện luôn mãi. Đó là ơn quý trọng mà Chúa, qua miệng thánh Tiên tri, đã hứa cho những kẻ Người chọn: "Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng sống đẹp lòng Ta và thiết tha cầu nguyện" (Dcr 12,10) .

 

        Ôi! Trí ý cầu nguyện là một ơn cao trọng dường nào, ơn làm cho một linh hồn biết cầu nguyện không ngơi!

 

          Ta đừng nản chí, hãy cầu xin Chúa ban cho ơn ấy cùng với trí ý cầu nguyện liên lỉ. Vì nếu xin mãi, chắc chắn  chúng ta sẽ được Chúa ban cho ơn bền đỗ và mọi điều khác lòng ta ao ước: Chúa không thể lỗi lời đã hứa: đoái nghe mọi kẻ cầu xin.

 

         Thánh Phaolô dạy: "Chúng ta được cứu rỗi, nhưng vẫn còn phải trông mong" (Rm 8,24). Nhờ trông cậy sẽ cầu nguyện luôn mãi, chúng ta có thể cầm mình như đã chắc phần rỗi đời đời.

 

LÒNG TRÔNG CẬY CHẮC CHẮN SẼ Mở CỬA NƯỚC TRỜI CHO CHÚNG TA.

(Lời thánh Bêđa)

bottom of page