top of page

PHẦN BA: CÁCH THỨC PHẢI CẦU NGUYỆN

 

Chương III: Trông Cậy Khi Cầu Nguyện

Chương IV: Bến Đỗ Cầu Nguyện

 

A. Phận sự của đức cậy

16. Một lời tối quan trọng, thánh Tông đồ Giacôbê nhắn nhủ ta, nếu muốn được các ơn lành của Chúa, là khi cầu nguyện, hãy trông cậy chắc mình sẽ được nhậm lời, không hề do dự:

 

           "Phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên, vật xuống" (Gc 1,6) . Thánh Tôma dạy rằng: "Lời ta cầu nguyện, nếu được chút công nghiệp gì là do lòng mến, song đàng khác, nó có hiệu lực xin ơn là nhờ ở lòng tin và cậy". Thánh Bênađô cũng đồng ý, khi nói: Chỉ có trông cậy mới xin được cho ta những ơn lành nơi lòng thương xót Chúa. Người rất sung sướng thấy ta tín nhiệm vào lượng nhân từ Người, vì do đó, ta tôn trọng và hiển dương lòng thương xót vô cùng Chúa đã muốn tỏ ra khi dựng nên ta.

 

           Vua Đavít than thở: "Lạy Chúa, những kẻ trông cậy vào Chúa hãy hân hoan, vì đời họ sẽ được hạnh phúc và Chúa sẽ hằng ở cùng họ" (Tv 5,12). Chúa che chở và cứu vớt những ai nương dựa vào Người: "Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người" (Tv 17,31). "Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài khỏi quân thù xông đánh" (Tv 16,7).

 

            Ôi, những lời Chúa hứa trong Thánh Kinh cho những kẻ nương cậy vào Người, thỉ cả thể biết bao! Kẻ ấy sẽ không sa ngã phạm tội: "Hết những ai đặt lòng trông cậy nơi Chúa sẽ không phải thất vọng" (Tv 38,23). Quả thế, theo lời Đavít, Chúa đưa mắt nhìn xem kẻ phó mình nơi lòng lân mẫn Người, hầu giúp đỡ và giải thoát họ khỏi chết vì tội lỗi: "Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn" (Tv 32,18-19).

 

            Nơi khác chính Chúa phán: "Bởi nó đã trông cậy vào Ta, thì Ta sẽ giải phóng và phù hộ nó... Ta sẽ cứu vớt và hiển dương nó..." (Tv 90,14-15). Ta nên chú ý đến chữ "bởi" ai tín nhiệm vào Chúa sẽ được phù hộ và cứu khỏi tay kẻ thù, khỏi phải hiểm nghèo sa ngã. Sau hết Chúa sẽ ban cho nó sự vinh hiển đời đời.

 

           Nói đến những kẻ đặt lòng trông cậy nơi Thiên Chúa, tiên tri Isaia viết: "Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mệt mỏi, và đi mãi mà chẳng chùn chân" (Is 40,31). Họ sẽ rũ bỏ sự yếu đuối mình để mặc lấy sức mạnh lớn lao của Chúa, nên không còn cảm thấy suy nhược mệt mỏi trên đường phần rỗi, họ sẽ cao bay, xa chạy như chim phượng oai hùng. "Giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh" (Is 30,15).

 

            Thánh Tiên tri cho hay, sức mạnh của ta là đặt tất cả lòng tín nhiệm mình nơi Chúa. Nín lặng chờ đợi, nghĩa là an nghỉ trên cánh tay nhân lành Chúa, đừng cậy vào tài khôn khéo của mình hay vào những phương thế trần tục.

 

17. Có khi nào thấy kẻ tín nhiệm vào Chúa lại hư mất không? "Không ai đã trông cậy vào Chúa mà phải hổ thẹn" (Hc 

2,10). Lòng tín nhiệm ấy đem lại cho vua Đavít bảo đảm sẽ khỏi mất linh hồn: "Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa; xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ" (Tv 30,1). Hay là chẳng may, Chúa lại lừa dối ta sao? - lời thánh Augustinô - Chúa tình nguyện nâng đỡ ta trong cơn nguy biến, nếu ta nương cậy vào Người, lẽ nào sau đó, Chúa lại ngoảnh mặt làm lơ, khi ta chạy đến cùng người sao?

 

          Vua Đavít khen kẻ cậy vào Chúa là có phúc: "Phúc thay người tin tưởng vào Chúa" (Tv 83,13). Và người đưa ra lý chứng "còn ai tin cậy Chúa, luôn được Người ấp ủ thương yêu" (Tv 31,10). Được Thiên Chúa chở che và gìn giữ như thế, nên nó không còn sợ địch thủ hay nguy cơ phải hư mất nữa.

 

18. Vì lẽ đó, thánh Tông đồ tận lực nhắn nhủ ta giữ lòng tín nhiệm vào Chúa; người cho biết làm như thế, chắc chắn chúng ta sẽ lãnh phần thưởng quý báu: "Anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em,  lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao" (Dt 10,35). Càng trông cậy, ta càng được Chúa ban ơn. Nếu lòng trông cậy ta lớn lao, lượng ơn phúc Chúa cũng sẽ tràn đầy. Thánh Bênađô viết: "Trông cậy nhiều thì đáng được nhiều ơn phúc". Người sánh lòng lân mẫn Chúa như mạch suối dồi dào và lòng trông cậy ta như  bình đựng nước. Bình càng to, càng chứa được nhiều. Người than thở: "Lạy Chúa, lòng thương xót Chúa ban xuống cho chúng con như một thứ dầu êm dịu, mà chúng con phải dùng lòng trông cậy làm bình đựng".

 

          Đấng Tiên tri đã nói trước: "Xin tỏ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài"  (Tv 32,22). Điều này đã được thực hiện trong Phúc Âm, nơi quan đội. Chúa Cuức Thế phán cùng ông ấy: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy" (Mt 8,13). Chúa tỏ cùng thánh nữ Gertruđê: kẻ trông cậy cầu xin, thì như ép Chúa phải ban cho điều họ ước ao. Thánh Gioan Climacô nói: "Lời cầu nguyện cưỡng bách Chúa". Phải, cưỡng bách thật, song là một sự cưỡng bách mến yêu và êm ái.

 

19. "Anh em hãy đến - lời thánh Phaolô khuyên giục - hãy vững dạ đến gần ngai ơn thánh để lãnh nhận lòng thương xót Chúa và tìm gặp ơn cứu giúp hợp thời" (Dt 4,16). Ngai ơn thánh kia là Chúa Giêsu; nay Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha, không phải trên ngai công bình mà là trên ngai ơn thánh, để xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi, ơn vững lòng bền đỗ cho người thân nghĩa cùng Chúa. Ta phải chạy đến ngai trọng ấy với một niềm trông cậy phát xuất tự lòng tin ở lượng nhân lành và trung tín của Chúa. Há người chẳng hứa nhậm lời kẻ cầu xin với một lòng trông cậy mạnh mẽ và bền vững sao?

 

          Trái lại, theo lời thánh Giacôbê, ai cầu nguyện mà trong do dự, thì đừng mong được Chúa ban cho ơn gì: "Kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống, người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa" (Gc 1,6-7).

 

           Họ chẳng được, vì sự nghi nan bất chính đang làm cho họ xao xuyến, cản trở không cho lòng thương  xót Chúa chấp nhận điều họ xin ... Thánh Basiliô nói: "Bạn xin không đúng phép, vì khi xin, lòng bạn vẫn nghi ngờ. Bạn không được như ý, bởi đã không trông cậy mà xin".

 

         Theo vua Đavít, lòng trông cậy của ta phải vững vàng như tảng núi đá không lay chuyển dưới bất cứ một ngọn gió nào: "Ai tin tưởng vào Chúa, khác nào núi Xion chẳng bao giờ lay chuyển, muôn thuở vẫn trường tồn" (Tv 124,1).

 

         Và đây, Chúa Cứu Thế dạy ta phương thế để được mọi ơn ta muốn: "Tất cả những gì anh em cầu xin anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý" (Mc 11,24). Dầu xin bất cứ ơn nào, hãy chắc dạ là sẽ được, rồi ta sẽ thấy nó thực hiện.

 

B. Nền tảng sự trông cậy

 

20. Nhưng có người sẽ bảo: Khốn nạn như tôi, thì dựa vào đâu để trông chắc được điều ước nguyện?

 

          Dựa vào lời Chúa Giêsu đã hứa: "Cứ xin đi anh em sẽ được" (Ga 16,24).

          Khi chính Sự Thật hứa quyết cùng ta như vậy, thì còn ai có thể sợ bị lừa dối nữa sao? Thánh Augustinô nói: "Làm sao ta có thể nghi hoặc, khi chính Sự Thật đoan ước sẽ ban cho điều ta xin trong khi cầu nguyện?". Người tiếp: "Nếu Chúa không có ý muốn ban ơn, thì Người đã chẳng giục ta cầu nguyện làm gì". Mà đó lại là điều trong Kinh Thánh Chúa năng nhắc đến để ta ghi lòng tạc dạ: "Hãy cầu nguyện... cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho" (Mt 7,7).

 

          "Muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý" (Ga 15,7). Để chúng ta biết phải trông cậy thế nào, khi cầu nguyện, thì Chúa Cứu Thế, trong kinh chính Người đặt ra, đã dạy chúng ta thưa, không phải: "Lạy Chúa", mà là: "Lạy Cha" (Pater noster), mỗi khi ta đến xin Chúa những ơn cần thiết cho phần rỗi - những ơn mà ta thấy ký thác tất cả trong kinh ấy. Chúa muốn cho ta xin các ơn kia với tấm lòng tín nhiệm của một trẻ bé đói khổ ốm đau, kêu xin cha mình cho của ăn và thuốc uống. Đứa con hòng chết đói, chỉ cần cho cha biết, ắt cha nó sẽ đi tìm thức ăn cho ngay. Nếu rủi bị rắn độc cắn, nó chỉ cần đưa vết thương cho cha mình xem, lập tức người cha sẽ đi lấy thuốc sẵn có mà băng vó cho.

 

21. Vì vậy, dựa vào những lời Chúa hứa chúng ta hãy luôn cầu nguyện, không phải với một lòng trông cậy yếu ớt, mà là vững vàng, không nao núng, như lời thánh Tông đồ giục bảo: "Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín" (Dt 10,23).

 

           Chúa càng trung tín giữ lời Người bao nhiêu, thì khi cầu nguyện, ta càng phải vững lòng trông được nhậm lời bấy nhiêu. Cho đi có lúc, vì khô khan, hoặc áy náy sau một lầm lỗi, mà ta không cảm thấy trông cậy đủ để cầu nguyện, dù sao, cũng hãy cố gắng để đừng nản lòng bỏ việc cầu nguyện vì Chúa không hề mỏi mệt khi phải chấp nhận lời ta xin. Hơn nữa, lúc ấy Chúa càng dễ nhậm lời ta, vì bấy giờ, ta sẽ bớt cậy sức mình, mà chỉ dựa vào lòng nhân từ, trung tín của Chúa để cầu nguyện, biết rằng Người đã hứa nhặm lời mọi kẻ kêu xin.

 

          Chúa sẽ lấy làm vui sướng biết bao, khi thấy ta mặc dầu đang ở giữa nhiều khốn khó, lo sợ, và bị ma quỷ xông đánh, có khi thấy không còn lý do để trông cậy nữa, bởi đã quá phiền sầu nên đâm ra chán nản, ngờ vực, song vẫn giữ vững lòng trông cậy! Thánh Phaolô tặng khen lòng mạnh mẽ ấy nơi tổ phụ Abraham, khi nói "Mặc dù không còn gì để cậy trông, Ông vẫn cậy trông và vững tin" (Rm 4,18).

 

22. Theo thánh Gioan, ai đặt tín nhiệm vào Chúa với một lòng không nao núng, thì chắc sẽ nên thánh: "Phàm ai đặt hy vọng như thế nào vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch nhờ Người là Đấng thanh sạch" (1Ga 3,3). Chúa tuôn ơn lành xuống tràn trề cho những ai trông cậy nơi Người. Nhờ đó, bao đấng tử đạo, trinh nữ hay ấu nhi, mặc dầu kinh sợ, vẫn thắng được mọi khổ hình ghê gớm mà các bạo chúa đã dành sẵn cho họ.

 

           Có lần chúng ta cầu nguyện, song Chúa dường như không muốn nghe. Dù vậy, hãy cứ bền đỗ cầu nguyện và cậy trông! Ta hãy lặp lại lời ông Gióp xưa: "Chúa có giết tôi, tôi cũng vẫn trông cậy vào Người" (G 13,15). Lạy Chúa, cho dù Chúa có đuổi con ra khỏi nhan Chúa, con cũng không thôi cầu nguyện và cậy trông vào lòng thương xót Chúa. Chúng ta hãy ăn ở như vậy, ắt sẽ nhận được nơi Chúa hết mọi điều ước ao.

 

           Người nữ xứ Canaan xưa đã có thái độ ấy và đã được mãn nguyện. Bà kêu xin Chúa Cứu Thế chữa con gái mình khỏi quỷ ám: "Lạy Ngài con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm" (Mt 15,22). Chúa đáp lời, nói rằng mình không được sai đến với người ngoại giáo như bà, mà chỉ đến cho dân Do Thái. Không ngã lòng, bà ấy vẫn cậy trông và khẩn khoản: "Lạy Thầy, xin cứu giúp tôi" (Ibid 25).

 

          Chúa đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (Ibid 26).

 

           Bà ấy lại thưa: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống" (Ibid 27).

 

          Thấy lòng trông cậy lớn lao của bà, Chúa Cứu Thế mở lời tặng khen và ban cho ơn xin: "Này bà - Chúa phán - lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy" (Ibid 28). Sách Khôn Ngoan có câu: Không hề thấy ai cầu xin Chúa mà Người hất hủi, chẳng cứu giúp.

 

23. Thánh Augustinô dạy: Lời cầu nguyện là chìa khóa mở cửa trời cho ta. Lời cầu nguyện vừa bay lên, thì ơn ta xin cũng được từ trời ban xuống.

 

          Vua thánh Tiên Tri cho biết: Lời ta cầu nguyện đi đôi với lòng thương xót Chúa. "Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình" (Tv 65,20). Do đó, cũng thánh Augustinô kết luận: Khi cầu nguyện, hãy chắc Chúa đã nhậm lời ta: "Khi con thấy mình chưa bỏ sự cầu nguyện, thì hãy vững tin rằng lòng lân mẫn Chúa cũng chưa bỏ con".

 

           Phần tôi, xin thú thật, không lúc nào tôi cảm thấy lòng đầy an ủi và vững dạ về phần rỗi bằng khi cầu nguyện và phó thác mình cho Chúa. Thiết tưởng kẻ khác cũng cảm thấy như vậy.

 

           Thật ra, các dấu nào khác cũng đều không chắc và có thể dối ta, nhưng Chúa hằng nhậmlời kẻ trông cậy cầu xin, điều này chắc chắn, không sai được, như chính Chúa là Đấng không sai lầm và không thể lỗi lời đã hứa.

 

 

24. Khi ta thấy mình yếu đuối, không sao thắng nổi một dục tình hay một trở ngại lớn lao để thi hành điều Chúa dạy, khi ấy, hãy bạo dạn như thánh Tông đồ xưa: "Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết" (Pl 4,13). Đừng như ai, chỉ chực nói: "Tôi không thể làm được! Tôi không dám!".

 

          Đã hẳn, tự sức riêng ta không làm được việc gì, nhưng với ơn Chúa giúp, ta làm được mọi sự. Nếu Chúa dạy ai: "Con hãy vác tảng núi này đem đến nơi xa kia, Cha sẽ giúp cho!" mà kẻ ấy lại thưa: "Con không dám, vì con sức đâu vác cả tảng núi ấy?" há chẳng phải nó dại dột và cứng lòng lắm sao?

 

         Vậy, cho dù ta ý thức được tất cả nỗi yếu đuối khốn nạn của mình, và phải cơn cám dỗ khuấy khuất ngày càng thêm mạnh, ta cũng đừng nản chí, một ngửa mặt lên Chúa và thưa Người như vua Đavít xưa: "Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi dám nghênh đỡ lũ địch thù tôi" (Tv 117,7).

 

        Với ơn Chúa trợ giúp, tôi sẽ toàn thắng và chẳng đếm xỉa gì mọi tấn công của kẻ thù. Khi ta phải hiểm nghèo, sợ mất nghĩa Chúa, hay đang gặp trường hợp khó khăn, mà lưỡng lự, không biết giải quyết thế nào, thì hãy phó mình cho Chúa và thưa Người rằng: "Chúa là nguồn sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp sợ gì ai?" (Tv 26,1). Sau đó, chắc chắn Chúa sẽ soi sáng và gìn giữ ta khỏi mọi sự dữ.

 

C. Lời cầu nguyện của kẻ tội lỗi

25. Nhưng có kẻ nói: Tôi tội lỗi! Mà Kinh Thánh lại dạy: "Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi" (Ga 9,31). Hai thánh Tôma và Augustinô trả lời: Câu ấy, người mù từ thuở bình sinh đã nói, "trước khi được hoàn toàn sáng mắt". Thánh Tiến sĩ thiên thần lấy tư tưởng kia làm đúng, nếu ta nghĩ đến lời cầu nguyện của kẻ có tội, "với tư cách là tội nhân", nghĩa là họ xin ơn để tiếp tục phạm tội, ví thử, ai xin Chúa giúp để báo thù kẻ nghịch hay để thành công trong một ý định càn dở nào.

 

        Điều nhận xét ấy cũng đúng đối với ai kêu xin Chúa cứu mình, song lòng chẳng mảy may muốn ra khỏi vòng tội lỗi. Nó thuộc vào hạng những kẻ khốn nạn phải ma quỷ trói buộc làm tôi, song lại ưa thích chính những dây ràng buộc mình đó. Lời họ cầu xin không được Chúa chấp nhận, vì là những lời táo bạo, đáng ghét bỏ. Thật ra, có ai trắng trợn bằng kẻ khẩn khoản xin một ân huệ gì cùng vua, mà vua ấy lại là đấng chẳng những nó đã nhiều phen xúc phạm, lại còn muốn tiếp tục thóa mạ nữa sao?

 

        Vì vậy, kẻ ngoảnh tai đi, để khỏi nghe tiếng Chúa rồi lại cầu nguyện, thì Thánh Linh coi đó là một điều xấu xa gớm ghiếc: "Ai bưng tai chẳng muốn nghe Lề Luật, cả lời nó nguyện cầu cũng đáng ghê tởm" (Cn 28,9).

 

        Đối với những người như thế, Chúa tuyên bố: "Chúng bay kêu xin Ta, nào được ích gì, vì Ta sẽ quay mặt đi nơi khác, hay có gia tăng lời khẩn khoản, Ta cũng chẳng nghe".

 

         Đó là trường hợp của Antiochus bất lương: vua ấy cầu nguyện và hứa với Chúa nhiều điều, nhưng chỉ là giả hình bề ngoài, còn lòng vua vẫn cố chấp trong tội lỗi. Vua có đoan hứa, cũng chẳng qua vì muốn thoát khỏi hình phạt đang đè nặng trên đầu. Do đó, Chúa chẳng đoái nghe lời vua cầu xin và để giòi bọ rúc rỉa vua cho đến chết: "Tên ác nhân ấy cầu nguyện, nhưng không đáng được Chúa thương nghe".

 

26. Có người phạm tội chỉ vì yếu đuối hay vì dục tình thúc bách quá mạnh. Kẻ ấy rên siết dưới ách địch thù, ước ao phá tan xiềng tỏa sự chết và thoát khỏi vòng nô lệ khốn nạn. Để được như ý, họ xin ơn Chúa giúp, và lời cầu xin ấy, nếu bền đỗ, chắc chắn sẽ được chấp nhận bởi Đấng đã phán: "Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho' (Mt 7,8).

 

        Theo lời tác giả sách "Công vụ bất toàn" tiếng "ai" chỉ bất cứ kẻ lành hay người dữ. Trong Phúc Âm Thánh Luca, khi nói về kẻ cho bạn tất cả bánh mình có, không vì tình nghĩa cho bằng vì phải quấy rầy, Chúa Giêsu phán: "Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần" (Lc 11,8).

 

          Ấy vậy, lời cầu nguyện bền đỗ xin được Chúa ban ơn cho cả những kẻ không phải là bạn hữu cùng Người.

 

         Thánh Gioan Kim Khẩu: "Điều mà tình bạn không xin được, nhờ lời cầu nguyện, ta xin sẽ được". Người còn thêm: "Hơn nữa, trước mặt Chúa, lời cầu nguyện mạnh sức hơn tình bằng hữu". Thánh Basiliô quyết rằng; "Kẻ tội lỗi sẽ được như ý, nếu bền đỗ cầu xin".

 

        Thánh Grêgôriô cũng nói một kiểu, khi người dạy: "Kẻ tội lỗi hãy lới tiếng kêu lên và lời họ xin sẽ bay thấu Chúa". Dưới ngòi bút của thánh Hiêrônimô, ta gặp cũng một giáo lý ấy, người viết; "Nếu kẻ có tội nài xin Chúa nhận mình lại làm con, thì nó cũng gọi được Chúa là Cha".

 

         Tội nhân sẽ noi gương đứa con phung phá, lấy tư cách đứa con hư mà thưa cùng thân phụ: "Lạy cha, con đã phạm tội", mặc dù lúc bấy giờ nó chưa được thứ tha. Thánh Augustinô nói: "Nếu Chúa không nhậm lời kẻ tội lỗi, thì người thâu thuế kia đã uổng công thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội" (Lc 18,13). Thế mà, Phúc Âm cho hay, nhờ lời cầu nguyện; "người ấy ra về, lòng được thanh sạch".

 

27. Hơn mọi người, thánh Tiến sĩ Thiên thần tỉ mỉ tra cứu vấn đề này. Người không ngần ngại quả quyết: Nếu kẻ tội lỗi cầu nguyện, thì cũng được nhậm lời, vì cho dù lời kẻ ấy không có công trạng gì, nhưng cũng có sức xin ơn, "bởi sự cầu nguyện không dựa trên đức công bình mà là trên lòng lân mẫn Chúa".

 

        Tiên tri Đanien quả đã cầu nguyện nhưthế. Người thưa: "Lạy Thiên Chúa của con, xin lắng tai nghe... Chúng con không dựa vào những hành động chính trực của chúng con, nhưng dựa vào lượng hải hà của Ngài mà dâng lời khẩn nguyện lên trước Tôn Nhan" (Dn 9,18).

 

         Vậy, theo thánh Tôma, khi chúng ta cầu nguyện, không cần phải là bạn hữu Chúa trước đã, mới mong được đắt lời: "chính lời cầu nguyện làm ta nên thân nghĩa cùng Chúa". Thánh Bênađô thêm vào đó một lý rất hay: Lời cầu nguyện của một người muốn từ bỏ tội lỗi, phát xuất tự đáy lòng ước ao muốn được nghĩa lại cùng Chúa. "Người nói: Nếu Chúa không muốn chấp nhận, lẽ nào Người lại ban cho một điều ước ao như thế sao?"

 

         Thánh Kinh còn ghi chép nhiều gương tội nhân đã nhờ cầu nguyện mà được khỏi tội: Achad, Manassé, Nabuchodonosor. Nơi người trộm lành, lời cầu nguyện đã có giá trị và hiệu lực lạ lùng! Bên Chúa, hai phạm nhân đồng chịu đóng đinh trên đồi Calvariô. Một người, nhờ cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi! mà được rỗi; người kia, vì chẳng cầu nguyện, nên đã hư mất.

 

28. Lời thánh Gioan Kim Khẩu: "Không một tội nhân nào thống hối, kêu xin Chúa, mà lại chẳng được như ý". Nhưng cần gì phải vịn uy thế và lý lẽ đâu xa để minh chứng sự thật này, khi chính Chúa Giêsu đã phán; "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28).

 

         Theo hai thánh Hierônimô, Augustinô và đa số các nhà chú giải Kinh Thánh, "những kẻ gánh nặng" đây, ám chỉ người có tội đang rên siết dưới sức nặng của tội lỗi mình. Nếu họ chạy đến cùng Chúa, hẳn sẽ được Người đỡ bớ gắng nặng cho và ban ơn thánh hóa theo như lời đã hứa.

 

        Thánh Gioan Kim Khẩu than thở: "Ôi! Chúa nong nả thứ tha cho chúng ta hơn là chúng ta ước ao được Người tha thứ". Thật, chẳng ơn nào mà lời cầu nguyện không xin được cho ta, dù lời ấy phát ra từ miệng một người tội lỗi nặng nề nhất cũng vậy, miễn là phải bền đỗ. Người con thêm: "Lời cầu nguyện xin được bất cứ sự gì, cho dầu con có phạm muôn vàn tội lỗi đi nữa, cũng chỉ cần số sắng nài xin là đủ".

 

         

bottom of page