



TỔNG HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔi
ARCHCONFRATERNITY OF THE MOST HOLY ROSARY
j
số hội viên hiện tại: 346600
PHẦN BA: CÁCH THỨC PHẢI CẦU NGUYỆN
Chương II: Cầu Nguyện Với Lòng Khiêm Nhường
Chương III: Trông Cậy Khi Cầu Nguyện
9. Đã hẵn, Chúa đoái nghe lời tôi tớ Người cầu xin, nhưng là các tôi tớ khiêm nhường "Người đoái nghe dân bị bóc lột kêu cầu, chẳng khinh thường lời họ nguyện xin" (Tv 101,18). Bằng chẳng vậy, thay vì lắng nghe, Người sẽ từ chối: "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (Gc 4,6). Chúa không nghe lời kẻ kiêu căng, ỷ lại vào sức riêng. Người để mặc nó sống khốn nạn. Với tình trạng ấy, chắc chắn nó sẽ hư mất, vì thiếu ơn trợ giúp. Vua Đavít than phiền về điều đó: "Trước khi bị sỉ nhục tôi đã phạm tội" (Tv 118,67)
Lúc khác người nói: "Tôi đã phạm tội vì thiếu khiêm nhường". Cả thánh Phêrô cũng thế mặc dầu Chúa Giêsu đã tiên báo trong đêm ấy các đồ đệ sẽ bỏ Người: " Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy: (Mt 26,31).
Dù vậy, thay vì nhận sự yếu đuối mình và kêu xin Chúa giúp đỡ để khỏi thất trung, Phêrô quá cậy mình, đã tuyên bố: "Dầu tất cả có vấp ngã vì thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã" (Mt 26,33).
Chúa Cứu Thế uổng công nhiều lần nhắc lại lời đó; và còn nói rõ từng chị tiết, cho hay nội đêm ấy, trước khi gà gáy, đồ đệ sẽ ba lần chối Thầy. Mặc dầu, tin vào lòng ngh̃ĩa hiệp của mình, thánh Phêrô tự khoe: "Cho dù phải chết với Thầy, con cũng không hề chối Thầy! (Ibib 35).
Thế rồi sao? Vừa mới bước chân vào nhà thầy cả, thì khốn nỗi: có kẻ cáo người là môn đệ Đấng Kitô, thì quả thật, người đã chối và thề không hề biết Chúa. Một lần nữa, người thề: "Tôi không biết ông ấy" (Ibib 72).
Nếu Phêrô đã khiêm nhường và xin Chúa ban ơn vững chí thì đâu đến nỗi chối Thầy!
10. Hết thảy, chúng ta phải xác tín rằng: Con người, tuy được nhắc lên, như trên một đỉnh núi cao, song cũng như bị treo lơ lửng trên vực thẳm, bằng một sợi chỉ độc nhất, ấy là ơn thánh Chúa. Nếu sợi chỉ đứt đi, ắt chúng ta rơi xuống vực sâu và phạm muôn vàn tội ác: "Chúa mà đã chẳng thương phù trợ, thì hồn tôi đã vào chốn thinh lặng ngàn thu" (Tv 93,17).
Nếu Chúa không cứu giúp, âu là tôi đã sa phạm muôn vàn tội lỗi và hiện đang phải trầm luân trong hỏa ngục. Đó là lời đấng chép Thánh vịnh mà mỗi người chúng ta phải lặp lại cho chính mình.
Thánh Phanxicô Khó Khăn đã nghĩ như vậy, khi tự xưng là tội lỗi nhất trong nhân loại, nhưng người bạn đồng hành chữa lời: "Thưa cha, điều cha nói, tưởng không đúng sự thật, vì trên trần gian hẳn còn có kẻ tội lỗi hơn cha nhiều". Không - thánh nhân đáp - điều cha vừa nói, đúng, vì nếu tay Chúa không gìn giữ, hẳn cha đã phạm đủ các giống tội" (St Bonaventure, Legenda S. Francisci, ch. VI)..
11. Đức tin dạy: Không ơn Chúa, chúng ta không thể làm được việc lành, dù chỉ nghĩ đến điều thiện cũng vậy. Theo thánh Augustinô, ngoài ơn Chúa ra, con người hoàn toàn bất lực về điều thiện, trong tư tưởng cũng như trong hành vi (De conceptione et gratia. ch. II).
Người còn thêm: Không ánh sáng, mắt ta không thể thấy, thì không ơn Chúa, con người cũng không làm được việc lành.
Thánh Tông đồ đã nói: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa" (2Cr 3,5). Trước thánh Phaolô, vua Đavít đã tuyên xưng: "Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công". (Tv 126,1).
Ta có gắng công nên thánh cách mấy, mà Chúa không giúp tay vào, thì mọi sự sẽ đều vô hiệu. "Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm" (Ibib). Nếu Người không giữ gìn hồn ta khỏi tội, thì tự sức riêng, ta có cố gắng cách nào, cũng không sao giữ mình được. Bởi đó, thánh Tiên tri thưa cùng Chúa: "Con chẳng có cậy tài cung nỏ, cứu được mình, đâu bởi gươm đao" (Tv 43,7). Khác thể người nào: Tôi chẳng muốn cậy vào khí giới, một chỉ cậy vào Chúa là Đấng có sức cứu vớt tôi.
Vì vậy, ai nhận thấy mình làm được việc gì lành và không lỗi phạm trong điều nặng thì phải lớn tiếng tuyên xưng với thánh Phaolô rằng: "Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,10). Đó là lý do khiến ta run sợ kẻo lỡ ra thất trung cùng Chúa chăng, vì "ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã".
Nơi khác, thánh Tông đồ đưa ra lý chứng: "Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình" (Gl 6,3). Vì đó, thánh Augustinô viết lời rất khôn ngoan này: "Lòng tự phụ cho mình vững vàng đã là cản trở làm cho nhiều người không bền đỗ; không ai thật vững chắc, nếu chưa cảm thấy mình yếu đuối" (Bài giảng 76, số 6). Kẻ nào tự xưng không biết sợ, ấy là dấu nó cậy mình và ỷ lại vào những điều đã dốc quyết. Mà vì quá tự tin, nên nó đã dối mình. Bởi dựa vào sức riêng, nó không còn biết sợ; mà vì chẳng lo sợ, thì nó đả bỏ không xin Chúa cứu giúp, nên chắc chắn sẽ sa ngã.
Vì vậy, mỗi người phải giữ mình kẻo khi thấy kẻ khác phạm tội mà vịn vào đó như một cớ để tự cao, tự đại cách vô lý. Trái lại, phải tin rằng tự sức riêng, ta xấu hơn kẻ khác, và than thở: "Lạy Chúa, nếu Chúa không giúp âu là con đã làm lắm điều càn dở hơn! ". Chẳng vậy, Chúa sẽ phạt lòng kiêu ngạo ta, mà để ta sa phạm những điều nặng nề và nhục nhả hơn nữa.
Thánh Tông đồ luôn nhắc nhủ ta phải chuyên lo việc phần rỗi. Cách nào? Với lòng lo sợ, run rẩy: "Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ" (Pl 2,12). Quả thế, ai hết lòng lo sợ kẻo sa ngã, sẽ chẳng cậy mình, một trông vào ơn Chúa và chạy đến cùng Người trong cơn nguy biến. Chúa sẽ giúp nó toàn thắng chước cám dỗ và được rỗi.
Ngày kia, thánh Philippê Nêri qua thành La Mã, vừa đi vừa kêu lớn: "Ôi! Tôi thất vọng!". Một tu sĩ nghe vậy, liền nói lời khiển trách. Thánh nhân đáp lại: "Thưa Cha, con thất vọng về mình, song con trông cậy vào Chúa". Chúng ta cũng phải làm như thế, nếu muốn được rỗi. Không hề dám cậy sức riêng, chúng ta sẽ bắt chước gương thánh Philiphê, vừa thức dậy, đã thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, ngày hôm nay, xin đưa tay nâng đỡ philiphê, kẻo Philiphê phản bội Chúa chăng".
13. Để kết luận, thánh Augustinô cho sự hiểu mình là hư vô và hoàn toàn bất lực, là khoa học cao cả nhất của người Công giáo. Người nói: "Hiểu biết con người chỉ là không, đó là sự khôn ngoan siêu việt". Biết mình yếu đuối, kẻ ấy sẽ không ngớt chạy đến Chúa, nài xin cho được sức mạnh cần thiết để chống trả chước cám dỗ và làm việc lành. Bởi đó, nó sẽ làm mọi sự với lòng khiêm nhường: "Lời nguyện của người nghèo vượg ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa đến đích, họ chưa an lòng. Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng tối cao chưa đoái nhìn" (Hc 35,17-18).
Lời một linh hồn khiêm nhượng cầu xin, bay thấu trời, đến tận ngai Chúa ngự và sẽ chẳng rời bỏ nơi ấy, bao lâu Chúa chưa đoái nhìn. Dầu cho linh hồn ấy tội lỗi đến đâu, song biết tự hạ, thì Chúa cũng không nỡ nào từ rẫy: "Tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê" (Tv 50,19) .
"Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhượng" (Gc 4,6) Chúa càng thẳng nhặt với kẻ kiêu ngạo bao nhiêu thì càng ở nhân từ quảng đại với người khiêm nhượng bấy nhiêu. Ấy là điều Chúa ngày kia đã phán cùng thánh nữ Catarina ở Sienna: "Con hãy biết, ai khiêm nhượng bền đỗ nài xin ơn Cha, sẽ được mọi nhân đức".
14. Xin trích ra đây một một lời thiết tưởng rất hữu ích và thích hợp cho những linh hồn sốt sắng, ước ao nên thánh. Lời này do Đức Cha Palafox, khi người chú giải bức thư 18 của thánh Têrêxa Cả, trong đó thánh nữ tỏ cho cha linh hồn, những bước tiến Chúa đã ban cho trên con đường nguyện ngắm. Ngài viết: những ơn siêu nhiên lạ lùng Chúa thương ban cho thánh nữ Têrêxa cũng như cho nhiều thánh khác thật ra, không cần thiết cho sự thánh thiện, vì nhiều linh hồn, tuy không được các ơn ấy, mà vẫn nên thánh; trái lại, lắm kẻ đã được, lại mất linh hồn. Bởi đó, ngài cho rằng: Ước ao, tìm kiếm những ơn như thế là một điều vô ích và táo bạo. Con đường chân thật và duy nhất để nên thánh là yêu mến Chúa và luyện tập mọi nhân đức. Người ta đạt tới sự thánh thiện nhờ nguyện ngắm và vâng theo ơn Chúa soi sáng, giúp đỡ, vì Chúa không ước ao gì hơn là thấy ta ăn ở tốt lành thánh thiện: "Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh" (1Tx 4,3).
15. Vì các trình độ nguyện ngắm siêu nhiên là mục đề của lá thư, nên ngài phải bàn đến nhiều trạng thái khác nhau, như sự tâm hồn yên nghỉ trong lúc nguyện ngắm, giấc ngủ thiêng liêng, sự gián đoạn các giác quan, sự hợp nhất cùng Chúa, ngất trí, bất tỉnh tinh thần khoan khoái, bay bỏng, sự bị thương tích thiêng liêng. Vậy, tác giả đạo đức ấy đã viết lời rất khôn ngoan này: "Về trạng thái yên nghỉ trong lúc nguyện ngắm, điều ta phải ước ao, kêu xin Chúa, là xin Người cứu ta khỏi lòng ham mê và dan díu của đời, vì những của ấy không đem lại cho ta sự bằng yên, chỉ làm cho tâm hồn thêm lo lắng, phiền sầu "Vạn sự hư vô" và phiền sầu cho tâm trí, (Gv 1,14) thật vua Salomon nói không sai!
Lòng con người sẽ không hề tìm thấy sự bằng an thật, bao lâu chưa trút sạch tất cả những gì không phải Chúa, để chỉ còn được tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu.
Nhưng, linh hồn sức đâu làm được việc đó, nếu không liên lỉ cầu nguyện, kêu xin Chúa ban ơn cho? Thay vì giấc ngủ thiêng liêng và sự gián đoạn các giác quan, ta hãy xin ơn được dửng dưng đối với mọi của đời tạm gởi, mà chỉ say mê suy niệm về lòng nhân từ Chúa, khao khát tình yêu chí thánh và những của đời đời. Còn để điền vào sự các quan năng ta được kết hợp với Chúa, ta hãy xin ơn chỉ còn tưởng nhớ, tìm kiếm và ước ao những gì Chúa muốn, vì tất cả sự thánh thiện và trọn lành của tình yêu đều do ở sự liên kết ý muốn ta với thánh ý Người. Thay cho sự ngất trí và mọi năng lực trong tâm hồn được Chúa chiếm đoạt, ta hãy xin được thoát khỏi lòng yêu chính mình và tạo vật cách quá độ, để được hoàn toàn quy hướng về Chúa.
Thay cho sự tinh thần được khoan khoái, bay bổng, ta hãy xin Chúa ban cho ta ơn dứt lòng vương vấn của đời, bắt chước loài én, dù phải tìm của ăn, thì cũng chỉ bao mà đớp mồi, chứ không hề đặt chân xuống đất. Nói thế nghĩa là: Ta hãy dùng của đời cho đủ sống, nhưng phải cứ bay luôn, đừng dừng chân xuống đất và để mình lận đận tìm những thú vui trần tục.
Thay vì tinh thần được phấn khởi, ta hãy xin Chúa ơn can đảm và nghị lực, để khi cần, biết cưỡng ép xác thịt, đương đầu với mọi xông đánh của kẻ thù, lướt thẳng dục tình và ôm ấp Thánh Giá, mặc dầu tâm hồn đang phải phiền sầu, chán nản.
Sau hết, nói đến thương tích tình yêu, ta nên nhớ rằng vết thương làm cho ta đau đớn, và vì đó, gợi lại trong trí ta cái nguyên nhân đã gây nên nó; vậy, ta hãy xin Chúa dùng lòng mến Người làm cho trái tim ta phải thương tích, để ta luôn luôn nhớ đến lượng nhân từ và tình yêu Chúa đối với ta. Như thế, trọn đời, ta sẽ không ngơi yêu mến Chúa, lấy việc lành và lòng mến làm vui lòng Người.
Nhưng, làm sao được các ơn ấy, nếu không cầu nguyện? Lời cầu nguyện khiêm nhường, cậy trông và bền đỗ, sẽ xin được mọi sự.