top of page

PHẦN BA: CÁCH THỨC PHẢI CẦU NGUYỆN

 

Chương I: Đối Tượng Của Lời Cầu Nguyện

Chương II: Cầu Nguyện Với Lòng Khiêm Nhường

 

 

CÁCH THỨC PHẢI CẦU NGUYỆN

1. "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy" (Ga 16,23).

 

          Bởi lời đó, Chúa hứa ban hết mọi ơn ta xin, miễn la ta đủ điều kiện phải có, Thánh Giacôbê dạy: "Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý để lãng phí trong việc hưởng lạc" (Gc 4,3). Giải thích lời này, thánh Basiliô viết: "Nếu có lần con xin mà không được, là vì con cầu nguyện chẳng nên: 

 

         - Bởi yếu đức tin, hay ít trông cậy,

         - Bởi ít ước ao điều mình xin, hay là xin những điều không ích lợi cho phần rỗi.

         - Hoặc nữa, vì thiếu bền đỗ.

 

           Vì thế, thánh Tôma liệt kê bốn điều kiện cần thiết cho lời xin được chấp nhận:

          - Cầu nguyện cho chính mình.

          - Xin những điều cần cho phần rỗi.

          - Với lòng sốt sắng.

          - Và bền đỗ.

 

Chương I: Đối Tượng Của Lời Cầu Nguyện

 

A. Ta có thể cầu nguyện đắc lực cho kẻ khác chăng?

2. Điều kiện thứ nhất là xin cho chính mình. Thánh Tiến sĩ thiên thần dạy: "Theo công bằng mà nói, người ta không xin được cho kẻ khác sự sống vĩnh cửu, cho nên cũng không xin được cho họ những ơn liên quan đến phần rỗi. Vì rằng Chúa không hứa ban cho kẻ khác, mà là cho chính người cầu nguyện: "Ai xin sẽ được!".

 

          Dù vậy, nhiều đấng tiến sĩ cũng nghĩ cách khác. Họ dựa vào lời thánh Basiliô: "Bởi Chúa đã hứa, nên lời cầu nguyện có một hiệu lực chắc chắn, cả trong lúc ta xin cho kẻ khác, miễn là kẻ ấy không tích cực cản trở ơn Chúa. Các đấng ấy căn cứ vào những lời này trong Kinh Thánh:

 

          "Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực" (Gc 5,16). "Hãy chúc lành cho kẻ nguyền của anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em" (Lc 6,28).

 

          Hơn nữa, lời thánh Gioan: "Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy, đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết" (1Ga 5,16).

 

          Những chữ "tội không làm cho chết" thánh Augustinô, Bêđa, Ambrôsiô và nhiều thánh khác chú giải: Miễn là người kia không cố tình ở mãi trong tội cho đến chết! Nếu là kẻ cố tình như thế thì hẳn phải cần đến một ơn rất phi thường. Ngoài  ra, đối với kẻ tội lỗi không cố chấp, thì thánh Tông đồ hứa cho họ ơn hối cải, nếu có người cầu nguyện cho: "Người ấy hãy cầu nguyện và Chúa sẽ ban sự sống cho kẻ tội lỗi kia".

 

B. Ta phải cầu nguyện cho kẻ có tội

3. Lời kẻ khác cầu xin giúp ích nhiều cho tội nhân và rất đẹp lòng Chúa, điều ấy không ai chối cãi. Chúa than phiền về những tôi tớ hay lãng quên không cầu nguyện cho kẻ có tội. Có lần Người phàn nàn cùng thánh nữ Maria Mađalêna Pazzi: "Này con xem, số tín hữu đang ở trong tay ma quỷ đông đúc dường nào! Nếu lời cầu nguyện của các kẻ lành không giải thoát họ, âu là họ đã bị nuốt sống cả rồi!"

 

          Cách riêng, Chúa chờ đợi lời cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ. Cũng thánh nữ ấy nói cùng các nữ tu Dòng Người rằng: "Hỡi chị em, Chúa không đưa chúng ta ra khỏi thế gian để chỉ mưu ích cho chính mình, song còn để ta làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, hầu xin Người thương xót kẻ  tội lỗi nữa". Chính Chúa phán cùng bà rằng: "Hỡi chúng con là những bạn trăm năm chí ái, Cha đã ban một nơi ẩn náu (ám chỉ sự thương khó Người), để các con đến múc ơn lấy ơn cứu giúp và đem phân phát cho các linh hồn. Chúng con hãy đến, và sau đó, hãy tiếp cứu những kẻ đang hư mất; hãy phó mạng sống chúng con vì họ".

 

         Từ đó, lòng thánh nữ nóng nảy cứu giúp các linh hồn và khao khát cho họ hối cải, đến nỗi mỗi ngày 50 lần, bà nhân danh kẻ có tội dâng lên Thiên Chúa giá máu cứu chuộc đã đổ ra xưa. Bà than thở cùng Chúa: "Ôi, lạy Chúa, đau đớn dường nào khi biết có thể dâng mạng  sống con để cứu giúp các con cái Chúa, mà lại không làm được!".

 

          Trong mỗi việc đạo đức, bà đều cầu nguyện cho kẻ có tội. Người thuật các hạnh bà đã viết: Bà không hề bỏ qua một giờ mà không  cầu xin cho kẻ tội lỗi, Cả lúc đêm hôm, Bà hay  trỗi dậy, đến quỳ trước Nhà Chầu cầu nguyện cho họ. Dầu vậy, lần kia, có kẻ gặp Bà đang chan hòa dòng lệ, hỏi cớ sự, thì Bà đáp: "Tôi thấy mình chưa làm được gì để cứu kẻ tội lỗi". Muốn cho họ ăn năn, bà đã tình nguyện chịu cả những hình khổ hỏa ngục, miễn là ở đó, bà không phải thù ghét Thiên Chúa.

 

          Nhiều lần, Chúa đã để cho bà đau đớn, sầu khổ và bệnh tật vì phần rỗi kẻ có tội. Bà cầu nguyện cách riêng cho các linh mục, vì biết rằng đời sống thánh thiện hay ươn lười của các đấng, sẽ nên dịp cứu rỗi hay hư mất cho nhiều linh hồn. Vì thế, bà xin chịu phạt thay cho những lỗi lầm của các đấng: "Lạy Chúa, xin cho con chết, và sống lại, để rồi chết nữa, bao nhiêu lần Chúa nghĩ là nên, để đền trả phép công bình Chúa thay cho các thầy cả". Và ta thấy còn ghi chép, lời cầu nguyện của bà đã cứu rất nhiều linh hồn khỏi tay ma quỷ.

 

4. Tôi đã đi vào những chi tiết chứng tỏ lòng thánh nữ nhiệt thành cứu giúp các linh hồn, nhưng bất cứ một linh hồn nào nóng nảy yêu mến Chúa, cũng không quên cầu nguyện cho kẻ có tội. Một kẻ mến Chúa, khi hiểu Chúa yêu quý các linh hồn, đến nỗi đã xuống thế chịu bao nhiêu đau khổ vì phần rỗi họ và ước ao ta cầu nguyện cho họ. Khi hiểu như thế, thì làm sao còn có thể dửng dưng nhìn bấy nhiêu linh hồn khốn nạn, sống xa Chúa, nô lệ ma quỷ, mà không hết lòng kêu xin Chúa ban ơn soi sáng và sức mạnh cho những linh hồn khốn nạn ấy được ra khỏi tình trạng thảm thương, trong đó, họ thản nhiên ăn ngủ, để chờ ngày hư mất?

 

         Thật ra, Chúa không hứa nhậm lời ta, khi những kẻ thừa hưởng lời ta cầu nguyện, lại tích cực cản trở ơn Chúa thúc giục ăn năn, hối cải. Nhưng lắm khi, vì lòng nhân từ và bởi nể lời các tôi tớ Người cầu xin, thì Chúa cũng vui lòng ban những ơn đặc biệt làm cho kẻ tội lỗi rất mù quáng và cố chấp được trở lại đàng lành.

 

          Vậy, trong khi hành lễ hay dự lễ, lúc chịu lễ, suy ngắm hay viếng Thánh Thể, ta đừng quên phó dâng các kẻ tội lỗi khốn nạn cho Chúa. Một tác giả thông thái nói: Khi ta cầu nguyện cho kẻ khác, thì những điều ta xin cho mình càng dễ được Chúa đoái nhậm hơn.

 

          Điều này, chỉ xin nói thoáng qua; bây giờ, ta hãy trở lại xét đến những điều kiện khác mà thách Tôma cho là cần thiết để lời cầu xin được hiệu lực.

 

C. Xin những ơn cần cho phần rỗi

5. Một điều kiện nữa, theo thánh Tiến sĩ, là xin những ơn cần thiết cho phần rỗi, vì rằng, Chúa không hứa ban cho ta những ơn phần xác, không cần cho phần rỗi. Khi bàn giải về lời Phúc Âm: "Lấy danh Thầy mà xin", thánh Augustinô dạy: "Xin những điều trái nghịch với phần rỗi, tức là không phải lấy danh Chúa mà xin"

 

6. Đôi khi, ta xin Chúa ban cho những ơn phần xác, mà Chúa chẳng nhậm. Song, cũng theo thánh Augustinô, Chúa không nhận lời ta, là vì Người thương, muốn ở nhân từ cùng ta: "Kẻ bền đỗ xin Chúa những ơn cần thiết ở đời, Người có thể vì thương mà nhậm lời hay không nhậm lời. Điều có ích cho bệnh nhân, phải chăng thầy thuốc biết rõ hơn kẻ liệt?". Một bác sĩ thật yêu người bệnh, ắt sẽ không cho kẻ liệt điều mình biết là hại cho sức khỏe nó. Ôi! Biết bao kẻ giàu sang mạnh khỏe, sẽ không đầm đìa trong tội lỗi như hiện giờ, nếu họ phải tật bệnh hay nghèo túng.

 

           Vì đó, có người xin sức khỏe phần xác hoặc của cải, giàu sang, mà Chúa từ chối chỉ vì yêu, bởi thấy những điều kia sẽ nên cớ cho họ mất ơn nghĩa thánh, hay ít nữa, làm cho họ nguội lạnh trong đường thiêng liêng.

 

          Tuy nhiên, không phải vì đó mà tôi coi như một lỗi, khi ta xin Chúa những điều cần thiết để  sinh sống, miễn là các sự ấy ăn hợp với phần rỗi đời đời, bắt chước Đấng  Khôn Ngoan, khi người nguyện: "Lạy Chúa, xin chỉ ban cho con những gì cần thiết để sinh sống".

 

          Thánh Tôma giải thích: "Lo lắng vừa phải về của đời này không phải là việc xấu; điều lỗi là quá bồn chồn về của cải, như thể tất cả hạnh phúc của ta đều ở trong đó".

 

         Vì thế, khi xin Chúa những của vật chất, ta phải xin với lòng lụy phục và với điều kiện là những của ấy giúp ích cho linh hồn mình. Nếu thấy Chúa chẳng ban như ý, ta phải nghĩ rằng Người làm như thế chỉ vì yêu chúng ta, bởi thấy trước những tai hại có thể xảy đến cho phần sức khỏe thiêng liêng của ta.

 

7. Nhiều khi chúng ta xin Chúa cứu cho khỏi một cơn cám dỗ nặng nề mà Người chẳng đoái nhậm và cứ để chước cám dỗ khuấy khuất ta. Lúc ấy ta nên biết rằng, Chúa để như vậy là vì muốn điều ích lợi lớn lao cho ta. Chước cám dỗ và những khuynh hướng xấu không làm cho ta xa Chúa, nếu ta không ưng thuận.

 

           Khi cơn cám dỗ đến, nếu linh hồn phó mình cho Chúa và cậy sức Chúa để chống trả, thì bấy giờ nó sẽ tiến mau trên đường trọn lành và kết hợp mật thiết với Chúa hơn biết bao! Đó chính là lý do khiến Chúa không nhậm lời ta.

 

          Thánh Phaolô khẩn khoản xin Chúa cứu mình khỏi những cám dỗ về đàng tư dục. Người nói: "Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến và mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này nhưng Ngài đã quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2Cr 12,7-9). Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi".

 

            Cũng một thể, trong cơn cám dỗ, ta phải hết lòng nhẫn nhục nguyện cầu cùng Chúa: "Lạy Chúa, nếu đẹp lòng Chúa xin hãy cứu con khỏi điều phiền toái này, bằng không, thì xin ban ơn giúp con chống trả mọi xông đánh của kẻ thù".

 

          Đây, chính lời Chúa đã dùng miệng tác giả Thánh Vịnh mà đoan chắc với ta: "Lúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên, Ta liền giải thoát. Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời, bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi" (Tv 80,8).

 

8. Hai điều kiện cuối cùng Thánh Tôma nêu ra để cho lời ta xin được hữu hiệu, là cầu nguyện sốt sắng và bền đỗ. Sốt sắng tức là cầu nguyện với lòng khiêm nhường và trông cậy; bền đỗ là cầu nguyện cho đến chết, không ngơi. Khiêm nhượng, cậy trông và bền đỗ, là những điều kiện cần thiết hơn cả trong khi cầu nguyện. Đây, ta cần phải bàn riêng đến từng điểm một.

bottom of page