top of page

PHẦN HAI: HIỆU LỰC CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

 

Chương IV: Đừng Xin Những Của Kém Giá Cầu Nguyện Hơn Suy Gẫm

Kết Phần II

 

8. Chúng ta thiếu thốn mọi sự nhưng nếu cầu nguyện, ắt sẽ không còn bần khổ nữa. Chúng ta khó khăn, nhưng Chúa giàu có, Thánh Tông đồ nói: "Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người" (Rm 10,12).

 

          Là tôi tớ một Đấng vô cùng quyền năng, phú quý, chúng ta hãy nghe lời thánh Augustinô khuyên bảo mà đừng xin những điều hư vô, những của kém giá, một hãy ước ao những ơn cao trọng.

 

           Nếu có ai chỉ xin vua một đồng tiền, một xu nhỏ, ắt vua sẽ lấy làm xúc phạm. Trái lại, chúng ta hiển dương Chúa, làm sáng tỏ lòng nhân từ quảng đại Người, dù biết mình khốn nạn và hoàn toàn bất xứng, chúng ta vẫn chạy đến xin các ơn nơi Người, và vững tin vào lượng nhân từ, trung tín của Chúa, luôn luôn giữ lời  đã hứa: "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý" (Ga 15,7).

 

           Theo lời thánh nữ Maria Mađêlêna Pazzi, lúc chúng ta xin ơn, Chúa lấy làm an ủi và vinh dự đến nỗi như Người cám ơn ta về điều đó. Lúc ấy, hình như ta mở đường cho Chúa thông xuống cho ta đầy dẫy ơn lành, và như thế, làm thỏa mãn khuynh hướng tự nhiên trong Chúa, là muốn làm sự lành cho hết thảy chúng ta.

 

           Ta hãy chắc dạ rằng khi ta xin, Chúa còn ban cho quá điều ta mong ước nữa.

 

           "Nếu ai trong anh em thiếu Đức Khôn Ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi không quở trách" (Gc 1,5) ấy là lời thánh Giacôbê minh chứng cho ai nấy biết Chúa không hề bủn xỉn như ta.

 

           Con người, dù lắm của, lại biết thương người và giàu lòng quảng đại đến đâu, nhưng khi làm phúc bố thí, vẫn phải dè dặt và thường không mấy khi cho vừa ý kẻ xin. Lý do là họ giàu có bao nhiêu đi nữa, của cải họ cũng có bạn, càng cho, nó càng bớt. Đối với Chúa thì khác, khi ta xin, Người ban cho dư dật, quá điều ta mong ước, vì lẽ Chúa phong phú vô cùng, càng cho, Người càng thấy thêm của để cho.

 

           Vua Đavít than thở: "Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin" (Tv 85,5). Thật Chúa quá khoan hồng và chiều chuộng họ. Lòng thương xót Người dư đầy, vượt quá sự họ ước mong.

 

9. Vậy, chúng ta phải ra sức cầu nguyện với một tâm hồn đầy trông cậy, vì chắc rằng lời cầu nguyện sẽ mở cho ta mọi kho báu trên trời. "Ta hãy siêng năng cầu nguyện - lời thánh Gioan Kim Khẩu - ắt sẽ tự mở cho mình cửa nước trời". Ai càng xin, càng được nhiều ơn lành. Thánh Bônaventura dạy: "Mỗi lần ta sốt sắng dâng lên Chúa một lời nguyện, ta lời lãi hơn được cả thế gian".

 

          Có những linh hồn đạo đức dùng nhiều thời giờ đọc sách suy ngắm, song ít chú tâm cầu nguyện. Đọc sách thiêng liêng, suy gẫm các lẽ chân thật đời đời, quả là những việc rất hữu ích, song thánh Augustinô cho sự cầu nguyện còn lợi hơn nhiều: "Nhờ đọc sách, suy gẫm ta hiểu biết bổn phận ấy". Nếu không làm điều phải làm, thì hiểu biết làm gì? Chẳng qua chỉ làm cho ta thêm tội trước mặt Chúa!

 

          Đọc sách, suy gẫm bao nhiêu đi nữa, cũng chưa làm tròn bổn phận mình, nếu ta không xin ơn Chúa để chu toàn bổn phận ấy.

 

10. Do đó thánh Isiđôrô suy luận: "Không lúc nào ma quỷ ra sức xúi giục ta lo ra, liên tưởng đến việc trần gian, hơn là khi thấy ta chăm chỉ cầu nguyện, xin ơn cùng Chúa". Tại sao thế? - Chẳng qua là vì kẻ nghịch biết giờ cầu nguyện là lúc ta thu tích nhiều kho tàng châu báu trên trời hơn khi nào khác.

 

          Hiệu quả quý báu nhất của sự nguyện ngắm là xin Chúa những ơn cần để bền đỗ và được rỗi. Chính vì lẽ ấy cách riêng, mà nguyện ngắm là một việc  gần như không thể bỏ qua được, nếu linh hồn muốn giữ mình trong ơn nghĩa Chúa: trong giờ nguyện ngắm mà không cầm trí xin những ơn cần thiết để bền đỗ, thì sẽ chẳng còn lúc nào nghĩ đến nữa.

 

           Không suy gẫm thì lấy đâu mà nhớ đến việc xin ơn? Lại cũng chẳng thấy cần xin ơn nữa! Trái lại, kẻ hằng ngày nguyện ngắm, sẽ thấy rõ nhu cầu thiêng liêng của mình, nhưng nguy hiểm đang vây bọc linh hồn tứ bề, và vì đó cảm thấy cần phải cầu nguyện. Như thế, nó sẽ cầu xin và nhờ ơn Chúa giúp, sẽ bền đỗ và rỗi linh hồn.

 

           Cha Segneri cho biết, lúc đầu, người chủ tâm than thở với Chúa hơn là cầu nguyện, nhưng sau nhận thấy, cầu nguyện cần thiết và sinh nhiều ích lợi lớn lao, nên từ đó, trong giờ suy gẫm, ngài chăm chỉ  cầu nguyện hơn cả.

 

11. Vua đạo đứcEzéhias nói: "Tôi sẽ kêu như én nhỏ chít chiu"  (Is 38,14). Én con kia chỉ biết kêu để xin mẹ giúp và đem cho của ăn thế nào, thì ta, muốn gìn giữ sự sống ơn thánh, cũng phải làm như vậy. Phải liên lỉ kêu xin trợ giúp để khỏi chết vì tội và tiến lên trong tình yêu Chúa.

 

           Cha Rodriguez chép: Các thánh tu rừng xưa, là những bậc tiên sư của ta trên đường tu đức, có lần đã hội đàm, nghiên cứu xem việc đạo đức nào hữu ích và cần thiết hơn cả cho phần rỗi? Rốt cuộc, các đấng đồng lòng quyết nghị chọn lấy sự năng lặp lại lời nguyện vắn tắt này của Đavít "Deus in adjustorium meum intende": "Lạy Chúa, xin hãy mau đến cứu giúp tôi".

 

          Ông Cassien viết: "Muốn rỗi linh hồn, ta phải luôn than thở: "Lạy Chúa, xin giúp đỡ tôi!". Vừa thức vậy, đã nguyện như thế, và trong các việc ta làm cũng như trong mọi nhu cầu hồn xác, nhất là khi phải chước cám dỗ hay dục tình khuấy khuất, ta lại càng phải bền đỗ kêu xin hơn.

 

           Theo thánh Bônaventura, có khi ta chỉ nguyện một lời vắn tắt mà mau được Chúa đoái nhậm hơn là làm nhiều việc lành khác. Thánh Ambrôsiô thêm: "Ai cầu nguyện, tất đã toại nguyện, vì xin là được".

 

           Thánh Gioan Kim Khẩu kết luận: "Không ai quyền thế hơn kẻ cầu nguyện, vì kẻ ấy được thông phần sự toàn năng của Thiên Chúa".

 

           Thánh Bênađô nói: "Muốn cao bay trên đường trọn lành, phải suy ngắm và cầu nguyện. Suy ngắm cho ta nhận thấy điều mình thiếu thốn, và cầu nguyện giúp ta xin được các sự cần dùng".

bottom of page