



TỔNG HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔi
ARCHCONFRATERNITY OF THE MOST HOLY ROSARY
j
số hội viên hiện tại: 346600
PHẦN MỘT: CẦN PHẢI CẦU NGUYỆN
Chương I: Sự Cầu Nguyện Cần Thiết cho Phần Rỗi, vì là Điều Chúa Buộc và là Phương Thế Phải Dùng
Chương II: Không Cầu Nguyện Không Thể Thắng Cám Dỗ và Tuân Giữ Giới Răn
1. Một trong những sai lầm của kẻ theo lạc giáo Pêlagiô, là dám cho rằng: sự cầu nguyện không cần thiết để được cứu rỗi. Theo Pêlagiô, trưởng phái bội giáo, thì người ta hư mất chỉ vì biếng trễ không chịu tìm hiểu những chân lý phải biết. Nhưng, "lạ thay, - thánh Augustinô viết, - Pêlagiô muốn bàn đến mọi vấn đề, ngoài trừ sự cầu nguyện". Theo học thuyết và giáo huấn của thánh Tiến sĩ, đó lại là phương thế độc nhất để được sự khôn ngoan các thánh, hợp như lời thánh Giacôbê dạy: "Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách" (Gc 1,5)
2. Rõ ràng thay những lời Kinh Thánh cho ta thấy sự cần thiết phải cầu nguyện nếu muốn được rỗi: " Phải cầu nguyện luôn không được nản chí" (Lc 18,1) - " Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn" (Mt 26,41) - " Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì ssẽ mở ra cho" (Mt 7,7). Những tiếng: Phải cầu nguyện - Hãy cầu nguyện - Hãy xin- chỉ và bao hàm một lệnh truyền, một điều thiết yếu.
Wicleff chủ trương rằng: những lời ấy không có ý nói về sự cầu nguyện, song chỉ muốn dạy về sự cần thiết phải làm việc lành. Như thế, theo ông, cầu nguyện không gì khác là hành thiện, - một điều sai lầm mà Giáo Hội đã minh nhiên kết án. Do đó, nha thông thái Lessius viết: " Không thể coi sự cầu nguyện là một điều không cần thiết cho phần rỗi đối với thánh nhân, mà không sai lạc về đức tin".
3. Lý do thật hiển nhiên. Không ơn thánh trợ giúp, chúng ta không thể làm được việc lành nào. "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5). Về lời này, thánh Augustinô nhận xét: "Chúa Giêsu chẳng nói: Chúng con không làm xong việc gì, mà là: " chúng con không làm gì được". Bởi lời đó, Chúa Cứu Thế muốn cho ta hiểu: không ơn thánh, dù chỉ Khởi công làm lành, chúng ta cũng không thể làm được. Hơn thế nữa, theo thánh Tông Đồ, nguyên việc ước muốn điều lành, chúng ta cũng không làm nổi. Người viết: " Không phải vì tự chúng tôi chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa" (2Cr 3,5). Vậy nếu tưởng nghĩ điều thiện, chúng ta còn không làm được, huống hồ ước muốn việc lành! Chân lý này được sáng tỏ trong nhiều đoạn Thánh Kinh: " Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người" (1Cr 12,6). "Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành" (Ed 36,27). Do đó, theo lời Đệ Nhị Công Đồng Orange: "Chúng ta không làm được việc lành nào, ngoài ra điều mà ơn Chúa giúp ta thực hiện". Công đồng Trente công bố: " Ví bằng có kẻ nói: không ơn Thánh Linh soi sáng và trợ giúp, con người cũng có thể tin, cậy, mến hoặc ăn năn tội nên, để được ơn công chính hóa, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông".
4. Tác giả sách "Công vụ bất toàn", khi bàn đến loài động vật, có câu: "Tạo hóa đã cho loài vật đủ oiều kiện bảo tồn tính mệnh, con thì chạy nhanh, con khác lại được bộ vuốt nhọn hay đôi cánh khỏe, nhưng con người đã được tác thành sao cho chỉ mình Chúa là tất cả sức mạnh của nó. Vì thế, con người bất lực, không thể tự cứu rỗi. Chính Chúa đã muốn tất cả những gì nó có, hoặc có thể có, đều phải do ơn Người mà đến".
5. Mà sự trợ giúp và ân sủng kia, theo sự Quan Phòng thông thường, Chúa chỉ ban cho ai cầu nguyện, hợp với câu nói thời danh của ông Gennade: "Thiết tưởng không ai bước đi trên đường phần rỗi mà không do tiếng Chúa mời gọi trước. Một phen được kêu mời, không ai mưu được phần rỗi mà không nhờ ơn chúa trợ giúp. Song, chẳng ai đáng ơn trợ giúp ấy, nếu không cầu nguyện".
Vậy, chắc chắn một đàng, không ơn Chúa, chúng ta chẳng làm được việc gì; đàng khác, Chúa thường chỉ ban ơn cho kẻ kêu xin. Thế thì còn ai không thấy hiện ra câu kết luận: Cầu nguyện là điều tuyệt đối cần thiết cho phần rỗi?
Đã hẳn có những ơn tiên khởi, như ơn kêu gọi nhìn nhận đức tin, ơn ăn năn tội, ta được mà không có phần mình cộng tác vào. Các ơn ấy, thánh Augustinô dạy, Chúa ban cho cả những kẻ không cầu nguyện. Dù vậy, thánh Tiến Sĩ cầm chắc rằng: hết mọi ơn khác - cách riêng ơn bền đỗ - Chúa chỉ ban cho ai cầu xin.
6. Do đó, đồng ý với thánh Basiliô, Gioan Kim Khẩu, Clêmentê ở Alexandrie và nhiều vị khác, cả chính thánh Augustinô, đa số các nhà thần học coi sự cầu nguyện cần thiết cho thánh nhân, không chỉ vì có lời chúa dạy, như ta vừa thấy, mà còn là những phương thế phải dùng. Nói cách khác, theo thể thức thông thường của Chúa Quan Phòng, một tín hữu không ký thác mình cho Chúa, không xin các ơn cần kíp cho phần hồn, thì không thể được rỗi.
Thánh Tôma dạh cũng một điều ấy, khi nói: "Sau lúc đã chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta cần phải cầu nguyện luôn mới vào được nước Thiên Đàng. Tất nhiên ơn Thánh Tẩy tha mọi tội lỗi, nhưng ta cần phải thắng cả căn nguyên sự tội, là dục vọng hằng khuấy khuất ta bên trong và ma quỉ, thế gian luôn chiến đấu với ta bên ngoài". Vậy đây là lý do khiến ta không thể hoài nghi về sự cần thiết phải cầu nguyện: "Muốn được rỗi, ta phải chiến đấu và toàn thắng". Kẻ chiến đấu giữa hí trường chỉ được thưởng khi đã chiến đấu cho đúng phép (2Tm 2,5) "Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ". Thế nhưng, không ơn Chúa giúp, chúng ta không sao chống lại sức kẻ thù vừa đông, vừa mạnh dường ấy. Vì vậy không cầu nguyện ắt cũng không được rỗi.
7. Sự cầu nguyện lại là phương thế thông dụng độc nhất để xin các ơn Chúa; điều này, thánh Tôma đã dạy rõ ràng trong một đoạn khác: "Hết mọi ơn Thiên Chúa,từ thuở đời đời đã ấn định ban cho ta, Người chỉ ban khi ta cầu nguyện". Thánh Grêgôriô cũng viết: "Nhờ cầu nguyện, ta đáng lãnh nhận những ơn mà từ thuở đời đời Chúa đã định ban cho". Thánh Tôma còn thêm: "Không phải cần ta cầu nguyện Chúa mới biết được những gì ta thiếu thốn, song chẳng qua là cốt cho chính chúng ta nhận thức sự mình cần phải chạy đến cùng Chúa để được những ơn trợ giúp hữu ích cho phần rỗi, và nhờ đó, nhìn biết chỉ một mình Người là nguồn mạch mọi sự lành". Như Chúa đã dạy ta phải gieo vãi lúa miến mới có bánh ăn, phải trông nho mới được rượu uống, thì Người cũng dạy ta phải cầu nguyện mới nhận được những ơn cần thiết để rỗi linh hồn: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho" (Mt 7,7)
8. Nói cho cùng, chúng ta chỉ là những hành khất khốn nạn, được của gì là do Chúa thì ban mà có: "Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới" (Tv 40,18). Thánh Augustinô nói: "Chúa muốn và ước ao ban phát ơn lành cho ta, nhưng chỉ ban cho ai cầu xin". Người dạy rõ ràng điều ấy: "Chúng con hãy xin, thì sẽ ban cho". Thánh nữ Têrêxa kết luận: "Thế thì ai không xin cũng sẽ không được".
Như cây cỏ cần nước để sống và khỏi khô héo, thì theo lời thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta cũng cần cầu nguyện mới mong được rỗi. Nơi khác, thánh nhân còn nói: Linh hồn làm cho thân xác sống thế nào, thì lời cầu nguyện cũng gìn giữ linh hồn trong sự sống như vậy. "Không linh hồn, thân xác không thể sống, thì không cầu nguyện, linh hồn sẽ chết và xông mùi hôi thối". Người nói "xông mùi hôi thối", vì rằng kẻ biếng trễ phó mình trong tay Chúa, không mấy chốc, sẽ bị tội lỗi làm dơ bẩn.
Lời cầu nguyện còn được gọi là của ăn nuôi dưỡng linh hồn, như lời thánh Augustinô dạy: "Thân xác không thể sống, nếu không có của ăn; không cầu nguyện, linh hồn cũng không sống được". Tất cả những kiểu so sánh kia, các Giáo Phụ quen để nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải cầu nguyện mới được rỗi.