top of page

PHẦN MỘT: CẦN PHẢI CẦU NGUYỆN

 

Chương II: Không Cầu Nguyện Không Thể Thắng Cám Dỗ và Tuân Giữ Giới Răn

Chương III: Cầu Cùng Các Thánh và Các Linh Hồn ở Luyện Ngục

 

9. Lời cầu nguyện là lợi khí cần thiết hơn cả để chống lại kẻ thù. Thánh Tôma quyết: "Ai không dùng nó sẽ hư mất". Người không ngần ngại cho rằng: Ađam sa ngã, chẳng qua vì trong cơn cám dỗ, đã không xin Chúa cứu giúp. Thánh Gélase cũng đồng ý, khi nói: "Các thần dữ đã uổng phí ơn Chúa và không giữ mình trong ơn nghĩa thánh vì không cầu nguyện".

 

 

             Trong một lá thư giáo mục, thánh Charles Brromée dạy: Trong các phương thế mà Phúc Âm khuyên ta dùng, thì sự cầu nguyện được Chúa liệt vào bậc nhất. Người muốn cho đạo thánh Người, cho Giáo Hội, được gọi bằng một danh từ đặc biệt là "Nhà cầu nguyện", để phân biệt với các lạc giáo khác: "Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện" (Mt 21,13). Thánh nhân kết luận: "Lời cầu nguyện làm nẩy nở, phát triển và chu toàn mọi nhân đức".

 

            Giữa những đen tối, đau thương và nguy hiểm của cuộc đời, chúng ta chỉ có mỗi một cách giữ vững cậy trông, là ngước mắt lên trời kêu xin lòng nhân từ Chúa cứu vớt ta. Vua Giôsaphát xưa than thở: "Không biết nên chọn đường nào, chúng tôi chỉ còn phương đưa mắt lên  cùng Chúa" (2Sb 20,12)Vua Đavít cũng tự xưng không có cách nào khác để thoát khỏi cạm bẫy kẻ thù tứ bề vây phủ, người luôn miệng kêu xin Chúa cứu vớt: "Mắt tôi nhìn Chúa không biết mỏi vì chính Người sẽ gỡ thân tôi khỏi dò lưới" (Tv 25,15). Bởi đó, người không làm gì hơn là cầu nguyện và thưa cùng Chúa: " Lạy Chúa, xin đoái xem thương xót, vì tôi cơ bần và bị ruồng bỏ!". "Con kêu lên Chúa, xin Ngài cứu chữa, để con tuân giữ thánh ý Ngài" (Tv 119,146). Bởi tự sức riêng, tôi hoàn toàn bất lực, và ngoài Chúa ra, tôi chẳng còn mong ai giúp đỡ.

 

10. Quả thật, nhất là sau tội Ađam nguyên tổ, khiến chúng ta trở nên yếu đuối, tật tàng, thì làm sao thắng nổi áp lực kẻ thù và tuân giữ luật Chúa, nếu không có lời cầu nguyện như phương thế hiệu lực xin ơn soi sáng và sức mạnh cần thiết?

 

           Thật là phạm thượng, lời Lutêrô quả quyết: "Sau nguyên tội, con người hoàn toàn bất lực, không thể tuân giữ lề luật Chúa nữa. Thứ đến, Jansénius chủ trương "Có ít nhiều giới răn,ngay kẻ lành cũng không giữ nổi, nếu xét theo sức họ hiện giờ". Lời đó tựu trung, có thể hiểu theo một nghĩa tốt, dù vậy, Giáo Hội đã luận phi cách hữu lý, vì những dòng ông đã thêm vào sau: "con người lại còn không được ơn trợ giúp để đủ sức vâng giữ các giới răn ấy".

 

             Đúng thế - lời thánh Augustinô - vì yếu đuối, nên có những điều Chúa dạy mà ta không làm được với sức ta hiện có và với ơn trợ giúp thông thường Chúa quen ban cho mọi người; nhưng ta có thể dùng lời cầu nguyện, xin ơn mạnh sức hơn để giữ trọn các điều đó. Vì lẽ Chúa không hề truyền những gì ta không thể làm nổi; một khi Người đã dạy, Chúa muốn ta vận dụn hết sức mình, rồi đến lúc không làm được nữa, phải kêu xin ơn Chúa, để Người giúp ta làm nên". Câu nói thời danh ấy đã được Công đồng Trente chọn làm tín điều.

 

            Thánh Tiến sĩ tiếp ngay: "Ta hãy xét, vì đâu nhờ ơn linh được, con người làm được điều mà sức tự nhiên không làm nổi"; người có ý nói: Bởi đâu con người có thể làm một việc quá khả năng mình? Nói cách khác, với lời cầu nguyện, ta xin được thuốc mầu nhiệm chữa sự yếu đuối ta, vì nếu cầu xin, Chúa sẽ giúp ta thực hiện những điều quá sức mình.

 

11. Thánh nhân tiếp: không thể tin rằng  "Chúa muốn buộc ta tuân giữ lề luật, và sau đó, Người lại ra một luật không ai giữ nổi". Vì vậy, thánh nhân thêm: "Khi Chúa để ta cảm thấy mình bất lực không tuân giữ được các giới răn, Người cũng dạy ta hãy làm những việc dễ, với ơn thông thường Người ban cho, còn đến những điều khó, ta phải nhờ phương thế cầu nguyện mà xin ơn trợ giúp đắc lực hơn.

 

          Nhưng, có kẻ chất vấn: Thế thì tại sao Chúa lại dạy ta làm những điều quá sức mình? Thánh nhân đáp: "Chính là để ta ra sức cầu nguyện hơn, xin ơn trợ giúp cần thiết, hầu chu tất việc mình không làm nổi". Trong một đoạn khác, Người viết: "Không ơn Chúa, ta không thể giữ trọn lề luật; thế mà Chúa lại ban cho ta một lề luật, thật chẳng qua là để bắt ta phải luôn nài xin Người giúp ta tuân giữ". Thánh nhân tự hỏi: "Lề luật hữu ích cho kẻ biết dùng nên". Hai chữ "dùng nên" ấy phải hiểu thế nào? Và người đáp: "Lề luật giúp ta nhận rõ bệnh tình, để đi tìm ơn cứu giúp, hầu thu hồi lại sức khỏe". Như thế người nói: Chúng ta phải dùng lề luật vì ý nào? Là để nhờ đó, ta nhận biết mình không đủ sức  tuân giữ lề luật (một điều không thành vấn đề, nếu không có lề luật), để rồi ta kêu xin ơn Chúa cứu chữa sức yếu hèn ta.

 

12. Thánh Bênađô cũng đồng ý: "chúng ta là ai, và sức đâu chống lại bao cơn cám dỗ?". Vậy, ý Chúa là để sau khi nhận biết mình bất lực và cô thế, chúng ta khiêm cung chạy đến nương náu nơi lòng thương xót Người".

 

           Người biết sự cầu nguyện cần thiết thế nào để giữ ta ăn ở khiêm nhượng và thử lòng tín nhiệm của ta, nên Chúa để ta bị những kẻ thù mạnh mẽ hơn vây đánh, hầu ép ta cầu nguyện, xin Chúa nhân từ giúp ta đối phó.

 

           Cách riêng, ta nên chú ý, không ai thắng được nhục dục, nếu không phó mình cho Chúa mỗi khi lòng xao xuyến. Kẻ thù này ghê sợ đến nỗi, khi nó đến, trí khôn ta ra tối tăm, không còn nhớ những gì đã nguyện ngắm, dốc lòng. Nó khiến ta không còn đếm xỉa gì đến những chân lý đời đời và gần như không sợ cả sự Chúa đoán phạt. Thêm vào đó, một xu hướng tự nhiên trong người thúc đẩy ta cách mãnh liệt chiều theo những vui sướng giác quan. Trong cơn nguy biến này ai không chạy đến cùng Chúa, sẽ hư mất. Phương sách duy nhất chống lại chước cám dỗ này là cầu nguyện, theo lời thánh Grêgôriô ở Nysse: "Cầu nguyện, mới giữ được trinh khiết". Vua Salomon cũng đã nói: "Tôi hiểu rằng, đức khôn ngoan, tôi không thể có được, nếu Thiên Chúa chẳng ban cho tôi... nên tôi hướng về Đức Chúa và cầu nguyện" (Kn 8,21).

 

          Thanh tịnh là một nhân đức ta không sao giữ nổi nếu Chúa không giúp sức. Nhưng sức mạnh ấy, Chúa chỉ ban cho kẻ cầu xin. Ai xin thì chắc được.

 

13. Do đó, thánh Tôma, trước kia đã có lời phản đối Jansénius: "Ta không được coi sự trinh khiết hay bất cứ một luật điều nào, như không thể giữ được, vì tuy tự sức riêng ta không làm nổi, song với ơn Chúa giúp, ta sẽ làm nên". Cũng đừng nói khiến người què đi thẳng là một điều phi lý! Thánh Augustinô đáp: "Không có gì phi lý, nếu ta có cách chữa kẻ ấy khỏi tật. Nhược bằng sau đó, người kia cứ đi khập khễnh, thì chẳng qua là lỗi tại nó".

 

14.            "Chung quy, - cũng chính lời thánh Tiến Sĩ ấy, - không thể sống lành thánh, nếu không cầu nguyện". Thánh Phanxicô Khó Khăn lại thêm: "Không cầu nguyện, linh hồn chẳng mong trổ sinh hoa quả tốt được". Vậy, tội nhân chữa mình cách vô lý, khi vịn cớ không đủ sức chống trả chước cám dỗ. Thánh Giacôbê bảo họ: "Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có là vì anh em không xin" (Gc 4,2).

 

          Quả thật, trước những tấn công của kẻ thù, chúng ta không đủ sức đối phó. Song cứ lời thánh Phaolô, chắc khắn "Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trng tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá  sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu  đựng" (1Cr 10,13).

 

                     Chúng ta yếu đuối, nhưng Chúa mạnh mẽ. Khi ta kêu cầu, Chúa thông ban sức Người cho ta. Bấy giờ, ta sẽ làm được mọi sự như lời thánh Phaolô khi nói về mình: "với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết" (Pl 4,13). Thánh Gioan Kim Khẩu kết luận: "Kẻ vì biếng trễ mà sa ngã, thật khêng còn lẽ chữa mình, vì nếu cầu nguyện chắc họ đã thắng được kẻ thù".

bottom of page