



TỔNG HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔi
ARCHCONFRATERNITY OF THE MOST HOLY ROSARY
j
số hội viên hiện tại: 346600
Ý nghĩa 10 Kinh Kính Mừng
trong mỗi đoạn của Chuỗi Mân Côi
Tại sao Đức Mẹ lại không dạy loài người chỉ đọc 5 hoặc 8 Kinh Kính Mừng sau mỗi ngắm mà lại phải đọc 10 Kinh? Sau 10 Kinh Kính Mừng liên tiếp, chúng ta lại suy đến mầu nhiệm, nó có ý nghĩa quan trọng nầy: 10 Kinh Kính Mừng này, mỗi Kinh tượng trưng cho một nhân đức của Đức Mẹ. Chúng ta đọc Kinh Mân Côi với ý nghĩa đã được trình bầy ở trên đây, chúng ta lại xin cho được những nhân đức của Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, hầu cho phần rỗi chúng ta nhờ đó mà được tăng phần tốt đẹp hơn, trước nhan thánh Chúa.
Thế nên, càng lần nhiều chuỗi Mân Côi bao nhiêu, chúng ta càng được Mẹ Thiên Chúa trang điểm cho chúng ta những nhân đức cao đẹp của Người nhiều bấy nhiêu. Cũng nhờ bởi những nhân đức ấy, chúng ta mới được tình yêu soi dẫn và tuôn đổ cho chúng ta nguồn ân sủng của Thiên Chúa.
Giai Thoại
Một chiếc tàu tự rẽ sóng- Linh Mục Nguyễn Tri Ân, Dòng Đaminh, tác giả nhiều sách về Đức Mẹ Maria.
Ngài lấy làm hân hạnh kể lại câu truyện cảm động sau đây, do một Cha chánh xứ nhờ ngài phổ biến. Cha xứ bảo đảm biến cố đích thực đã xảy ra cho con chiên ngài.
Tại Nam Định, có một gia đình chài lưới đạo đức. Một hôm mấy cậu con ra khơi đánh cá. Bỗng một cơn dông tố kéo đến làm cho con thuyền của mấy cậu đứt dây chằng và phiêu bạt giữa ba đào hỗn loạn.
Bồi hồi, khắc khoải trước cơn nguy biến có thể làm triệt nòi, người gia trưởng, miệng không ngớt đọc Kinh Kính Mừng chân nhảy lên chiếc bè, quyết đi tìm để góp công sức và kinh nghiệm. Rủi thay trận cuồng phong dai dẳng và hung ác làm phiêu linh luôn chiếc bè giữa biển nước mênh mông.
Tuy nhiên, miệng ông vẫn luôn luôn lâm râm “...Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho con, cầu cho chúng con khi này, vâng khi này...”
Sau bốn ngày đêm vật lộn với gió loạn sóng cồn, qúa đói rét và mỏi mệt, ông lả người, nằm sõng soài lên chiếc bè, mặc cho sóng gió cuốn trôi, nhưng miệng ông vẫn không mệt mỏi bập bẹ Kinh Kính Mừng.
Bỗng đâu ông thấy có người đến nhấc đỡ ông lên một chiếc tàu rất lớn, rồi được ân cần cấp cứu và bồi dưỡng trọng hậu.
Khi ông được hồi phục, vị thuyền trưởng, người Công Giáo, đến chào mừng và cho ông biết: “Đúng ra tàu không đi hướng này, nhưng không biết có sức nhiệm mầu nào thúc ép tàu rẽ sóng qua đây. Bây giờ sung sướng cứu nguy cho ông, tôi mới hiểu áp lực thiêng liêng đó. Chắc ông đã van vái một Đấng nào?"
Câu chuyện đang dở dang thì một thủy thủ đến trình ông thuyền trưởng: “Có một chiếc thuyền đang bềnh bồng trên mặt sóng.”
Lại một pha cấp cứu hào hứng nữa: thả xuồng nhỏ xuống bơi vớt mấy chàng thanh niên hốc hác và bải hoải đang vật lộn với ba đào.
Khi các người lâm nạn đã lên hết trên chiếc tàu lớn, họ ngơ ngác nhìn nhau và sung sướng nhận ra... Một niềm vui, một niềm vui khôn tả ôm choàng cả mọi người, cả mấy ngư dân và cả mấy cha con đạo đức lại ca lên: “Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ.”
Ý Nghĩa Siêu Việt của Kinh Kính Mừng 1
Ta nghĩ gì khi đã bỏ phí thời gian không lần chuỗi Mân Côi.
Ðến đây chúng ta đã hiểu rõ về ý nghĩa của Kinh Kính Mừng. Chúng ta nghĩ sao về những ngày tháng mà chúng ta đã bỏ phí vô ích không lần chuỗi Mân Côi?
Chúng ta nghĩ sao về những ý nghĩ và lời nói đã xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa cách nặng nề, khi chúng ta chê chối và coi thường Kinh Mân Côi?
Chúng ta nghĩ thế nào trước mệnh lệnh mà Mẹ Thiên Chúa đã khẩn nài chúng ta thực thi? Ðọc Kinh Mân Côi là ca ngợi một thụ tạo hay là những lời khẩn cầu cho chính sự sống chúng ta?
Ðọc Kinh Mân Côi có phải là chúng ta đã thể hiện tình yêu giữa các chi thể trong thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh Chúa chăng?
Ðọc Kinh Mân Côi, phải chăng chúng ta đã kéo tình yêu cùng ơn tha thứ từ Thiên Chúa xuống cho tất cả những người tội lỗi?
Chúng ta hãy suy nghĩ trong sự soi sáng của Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy được công việc phải làm cho chính sự sống chúng ta hôm nay.
Ðể tìm thấy chính xác cách khẩn thiết cho công việc chúng ta phải làm, chúng ta hãy tự hỏi: Mẹ Thiên Chúa có dạy chúng ta làm một việc vô ích không? Hay công việc ấy có lợi cho chính sự sống chúng ta? Và hơn nữa cho chính sự sống của mọi linh hồn mà Thiên Chúa đã phải cứu bằng giá máu của Người.
Hỏi như thế là chúng ta đã trả lời Mẹ Thiên Chúa khi hiện ra tại Fatima với 3 thần dược để cứu linh hồn nhân loại.
Giai Thoại
Một cô gái nõn nà được nâng trên cánh nhạc.
Trong sách Affecti Scambievoli, phần II chương VIII của linh mục Auriemma, mẩu truyện sau đây được tường trần như một bài thơ diễm ảo.
Một thiếu nữ dịu dàng, trinh trong và nõn nà như một nhành hoa rừng, phô hương sắc bên bờ suối trong mát, ngày ngày chăm sóc một bầy chiên hiền hậu. Nàng trìu mến Ðức Trinh Nữ đến nỗi nàng cảm thấy chỉ có một diễm phúc ở thế trần, là lòng, trí và chân chỉ nhắm đến một nguyện đường nhỏ, khuất giữa đồi núi bao la trùng điệp.
Trong khi đoàn chiên gặm cỏ và nhởn nhơ chung quanh nàng, nàng lần hạt và cầu nguyện trước Bà Mẹ muôn vàn kính mến.
Mẹ Maria được biểu trưng bằng một pho tượng tầm thường không được trang sức, điểm xuyết.
Thấy vậy, cô gái nghèo, lòng se lại, băn khoăn... rồi lên thác xuống ghềnh, nàng tìm lá móc, chặt cây nứa về: cây khéo vót thành óng chuốt, lá sành phơi trở nên nõn nà, được chắp thành một áo tơi xinh xắn mang cho Mẹ.
Ðôi ba hôm nàng bay lượn qua rừng qua suối như một con bướm và đi tìm đủ thứ hoa ngào ngạt hương sắc đem về kết thành mũ triều thiên đôi cho Mẹ.
Nàng kính cẩn bước lên bàn thờ và âu yếm thưa: "Mẹ, con muốn đội lên đầu Mẹ một mũ triều thiên óng ánh ngọc châu, nhưng con nghèo quá Mẹ ạ. Xin Mẹ vui nhận cài mũ bằng hoa hèn mọn này, nói lên lòng yêu mến thiết tha nồng hậu của con".
Sau đó, cô gái ngã bệnh và sắp chết. Hai tu sĩ qua xứ nàng và nghỉ giải lao dưới một gốc cây. Một thầy ngủ một thầy thức, nhưng cả hai cùng có một thị kiến. Hai thầy chiêm ngưỡng một đoàn thiếu nữ đẹp như tiên. Giữa đám tố nữ đó nổi bật một hoa khôi uy nghi và lộng lẫy hơn cả.
Một thầy hỏi:
- Thưa hoa hậu, ngài là ai và đi đâu qua lối này?
- Ta là Mẹ Thiên Chúa, bà đáp, các trinh nữ kia và ta đến làng gần đây để thăm viếng một cô gái chăn chiên nghèo sắp lìa trần. Vì trước đây nàng thường đến chào kính Ta bằng Kinh Mân Côi.
Nói đoạn Bà biến mất.
Hai nhà tu hành bảo nhau: "Nào chúng ta đến thăm cô mục tử."
Quý thầy vào làng và tìm thấy trong túp lều xơ xác người bần nữ hấp hối trên mấy nắm rơm.
Nàng bảo: "Quý thầy hãy cầu nguyện Chúa để xem thấy Ðấng đang đến phù trợ con".
Các tu sĩ quỳ xuống và thấy Mẹ Maria, tay cầm một mũ triều thiên cúi xuống ủy lạo cô gái sắp chết. Các trinh nữ khác xướng lên những ca khúc êm đềm, như mời hồn em ra khỏi xác, để Mẹ Maria đội mũ triều thiên cho em, và được nâng trên cánh nhạc du dương đến cõi vĩnh phúc muôn đời.
Lời Nguyện
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, xin giữ trong con một tâm hồn trẻ thơ tinh tuyền trong suốt như một dòng suối. Xin đem đến cho con, một tâm hồn đơn sơ, không mang vương chất chứa sầu muộn. Một tâm hồn cao đẹp để hiến dâng, luôn mở rộng cho cảm thông nhân ái. Một tâm hồn trung tín và quảng đại, không hay quên bất cứ việc thiện nào, không oán hờn dẫu mảy may sự ác . . .
Kính Mừng Maria: Việc Tôn Kính Mẹ Hàng Đầu
Thánh Anphongsô luôn luôn là vị Tiến sĩ Cầu Nguyện và là vị Tiến sĩ "Những Vinh hiển Ðức Mẹ Maria", đã đặt Kinh Kính Mừng vào hàng đầu trong 10 việc tôn kính Ðức Mẹ.
Sau đây lời vàng ngọc của Ngài: "Ôi lời chào mừng của Thiên Thần đẹp lòng Ðức Trinh Nữ biết bao!" Khi nghe lời ấy, cơ hồ như Ngài cảm nhận lại niềm vui lúc Thiên Sứ Gabrie báo tin Ngài sắp làm Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy hân hạnh dâng nỗi hoan lạc đó bằng cách thường xuyên đọc Kinh Ave Maria.
Thánh Tôma a Kempis khuyên: "Chúng ta hãy năng ngỏ lời với Mẹ Maria lời chào của Thiên Thần, vì Ngài rất thích thú khi nghe lời ấy".
Chính Ngài đã tâm sự với thánh Mêchtin: Trong tất cả mọi lời chào kính, lời chào kính thiết thân tới lòng Ngài hơn cả là Kinh Kính Mừng.
Ai chào Mẹ sẽ được Ngài chào lại. Ngày kia, Thánh Bênađô nghe rõ ràng từ một tượng Mẹ: "Bênađô, Mẹ chào con." Mà lời chào của Ðức Trinh Nữ là một ân sủng Ngài ban để đáp lễ. Thánh Bônaventura nói: "Ngài hoan hỉ chào ta, nếu ta sốt sắng chào Ngài bằng kinh Kính Mừng."
Rítsa Lôrensô thêm: "Nếu người nào trình diện Ðức Trinh Nữ với Kinh Kính Mừng, lẽ nào Ngài có thể nào từ chối không ban ơn cho đương sự không?" Chính Mẹ đã hứa với thánh Giêtruđê sẽ ban cho trong giờ lâm chung bao nhiêu điều giúp đỡ bằng bấy nhiêu lần đọc kinh Kính Mừng.
Thánh Alanh Rốt (Alain de la Roche) quả quyết: Khi đọc Kinh Kính Mừng cả thiên đàng nhảy mừng hoan lạc, hỏa ngục run rẩy và ma quỉ chạy trốn.
Tôma A Kempis cũng minh xác, vì chính ông kinh nghiệm: Ngày kia ma quỉ hiện ra, ông liền đuổi nó chạy trốn với Kinh Kính Mừng.
Thánh Tiến Sĩ của Ðức Trinh Nữ khuyên ta đọc kinh Kính Mừng trong 6 trường hợp sau đây:
1. Ðọc 3 Kinh Kính Mừng sáng khi thức dậy và ban tối trước khi đi ngũ.
2. Ðọc Kinh Nhật một Ngày 3 lần.
3. Ðọc Kinh Kính Mừng khi nghe điểm giờ.
4. Ðọc Kinh Kính Mừng khi ra khỏi nhà và khi về.
5. Ðọc Kinh Kính Mừng khi thấy tượng Ðức Mẹ.
6. Ðọc Kinh Kính Mừng trước và sau khi làm một việc gì.
Giai thoại-Một đại úy bay nổi qua đường
Khi chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria là đại hiền mẫu, không những Ngài giúp ta nên thánh hoặc hối cải trở về với Chúa, mà còn tránh cho ta những sự nguy hiểm làm ta tái phạm. Câu truyện lý thú sau đây minh chứng điều đó.
Trong tác phẩm Người Giáo Hữu Thông Thái, linh mục Xenhơri (Segneri) kể:
Ở Lamã có một thanh niên, đầy tôi lỗi trắng trợn và nô lệ những tập quán xấu xa, ngày kia, đến xưng tội với cha Duchi (Nicolas Zucchi). Ngài tiếp chàng với lòng từ ái, và cảm thông thảm trạng của chàng. Ngài quyết chắc lòng tôn sùng Ðức Mẹ có thể cứu chàng khỏi tật xấu quái ác ấy. Bởi vậy, ngài ra việc đền tội một Kinh Kính Mừng khi thức dậy, trước khi ngủ và dâng con mắt, tay chân và toàn thân cho Mẹ để xin Ngài gìn giữ như là sở hữu của Ngài, cuối cùng là hôn đất 3 lần.
Hối nhân làm đầy đủ việc đền tội, lúc đầu không thấy hiệu quả lắm. Nhưng cha Ducchi buộc chàng không bao giờ bỏ, khuyên chàng can đảm và tin mạnh vào sự che chở của Ðức Trinh Nữ.
Trong thời gian kế tiếp, chàng với một số bạn hữu cùng rời Lamã chu du khắp thiên hạ. Khi về, chàng đến trình diện cha giải tội. Ngài sung sướng và sửng sốt thấy chàng hoàn toàn thay đổi cùng lánh hẳn tật xấu.
Ngài hỏi: "Con làm thế nào mà được Chúa cho thay đổi lạ lùng như vậy?"
Chàng thưa: "Chính nhờ Ðức Trinh Nữ mà con được ơn ấy. Ngài thưởng con đã đọc kinh Ave hôm sớm như cha đã dạy."
Thừa thắng xông lên. Cha Duchi lên tòa giảng, trình bày sự linh nghiệm của Kinh "Tấu Lạy Bà" hôm sớm ấy.
Trong số thính giả có một đại úy, đã lâu sống lộn xộn. Viên sĩ quan liền đem ra áp dụng, quyết bứt dây ràng buộc đương sự trong nô lệ ma quỉ. Nhờ việc đạo đức nhỏ mọn đó, viên sĩ quan áp đảo được mối đam mê ô nhục của mình và đổi đời.
Sau nửa năm, anh chàng, quá ỷ lại vào sức mình, đã điên cuồng nghĩ : đến xem người đồng phạm cũ có hối cải không. Nhưng khi đến nhà dâm phụ tức là liều mìh có thể tái phạm, chàng cảm thấy một sức vô hình bắt và đưa chàng qua cuối đường bên kia, rồi để chàng trước nhà mình. Thế là chàng hiểu rõ Ðức Trinh Nữ đã rứt chàng ra khỏi sự hư mất.
Lời Nguyện
Mẹ ơi! Uy lực vô song của Kinh Kính Mừng làm chúng con sung sướng và phấn khởi! Xin Mẹ cho toàn thể nhân loại hơn 7 tỷ người hiện nay, ai cũng đọc kinh Kính Mừng. Ai cũng đọc kinh toàn năng, toàn lực đó thì không mấy chốc thế gian biến thành Thiên Ðàng.
Ðọc Kinh Kính Mừng là ca ngợi Tình Yêu Thiên Chúa
Khi chúng ta đọc kinh Kính Mừng là chúng ta đã có một tình yêu vô cùng của Thiên Chúa trong công cuộc Nhập Thể, Cứu Chuộc và Thánh Thể Chúa Kitô. Nói chung, khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta không ca ngợi một thụ tạo (hiểu theo chúng ta) mà chúng ta ca ngợi tình yêu vô biên của Thiên Chúa, khi chính Ngôi Hai đã xuống thế làm người trong lòng đồng trinh Mẹ Maria. Sự Ngôi Hai Nhập Thể không phải là đem sự sống, tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại qua sự Phục Sinh của Chúa Kitô sao?
Mỗi Kinh Kính Mừng là một lời ngợi khen, chúc tụng, đền tạ tình yêu Thiên Chúa.
Mỗi Kinh Kính Mừng là một lời ngợi khen, tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa, cùng đền tạ tình yêu Thiên Chúa đã ban cho loài người trong công cuộc Nhập Thể, Cứu Chuộc của Thiên Chúa Ngôi Hai trong cung lòng Mẹ Maria. Ngợi khen, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa và tình yêu Người đã thể hiện nơi Ngôi Hai trong cung lòng Ðồng Trinh Mẹ Maria, đền tạ tình yêu Thiên Chúa trong sự nhận biết Thiên Chúa yêu dấu loài người trong Ngôi Hai. Ý nghĩa này phù hợp với sự tỏ Trái Tim Tình Yêu của Chúa cho nhân loại, nghĩa là nhận biết Thiên Chúa yêu chúng ta vô cùng trong Con cực thánh Người. (Sách Mầu Nhiệm Maria hay Mầu nhiệm Mân Côi trang 59-60)
Giai Thoại
Con khỉ rình bóp cổ chủ nhà
Trong niên sử dòng Capucin của Boverio quyển I, có thuật tích một luật sư nổi tiếng ở Venise.
Ðể làm giàu, đương sự dùng đủ mánh lới gian lận và bất công. Do đó chàng sống trong một tình trạng thật thê thảm. Có lẽ không còn gì là tốt đẹp nơi chàng nữa, ngoài thói quen hằng ngày đọc một Kinh Kính Mừng kính Ðức Trinh Nữ Maria.
Tuy nhiên nhờ chút đạo đức nghèo nàn đó, anh thoát được cõi trầm luân muôn kiếp.
Vị trạng sư này được cái may măn là kết thân với Linh Mục Mathêu Bosso.
Ðương sự hết lời năn nỉ ngài đến dùng bữa. Mời mãi, ngày kia, ngài cũng chiều lòng. Khi ngài đến nhà, ông luật sư khoe:
- Ðây, con muốn chỉ cho cha một sự lạ, cha chưa bao giờ thấy, Con có một con khỉ hay tuyệt. Nó giúp con như một nghĩa bộc: nào lau rửa ly chén nào dọn bàn ăn và mở cửa ngõ cho con.
- Coi chừng, linh mục đáp, không phải là một con khỉ, mà là một cái gì hơn nữa; gọi nó đến cho tôi coi.
Người ta gọi khỉ, khỉ vẫn làm lơ. Ðổ xô đi tìm khắp nơi thì mới biết nó trốn kỹ ở dưới một cái giường để trong phòng nhà ngoài. Kêu nó mãi, nó không chịu ra. Nhà tu hành đề nghị:
- À thế, chúng ta cùng đến xem.
Tới nơi, linh mục thét to:
- Quỉ hỏa ngục, hãy ra khỏi chỗ và nhân danh Thiên Chúa ta truyền cho mi phải nói mi là ai.
Bấy giờ khỉ khai nó là quỉ và ở trong nhà này, chực ngày nào tội nhân quên đọc cái Kinh ông có thói quen đọc để kính Ðức Trinh Nữ Maria: vì Thiên Chúa đã cho phép hắn bóp cổ ông ta ngay lần đầu tiên, khi ông quên đọc.
Nghe vậy, ông trạng sư khốn khổ quì xuống chân người đầy tớ Chúa để van xin ngài cứu giúp.
Sau khi đã trấn tĩnh đương sự, linh mục truyền cho con khỉ ra khỏi nhà và đừng làm gì thiệt hại gia chủ. Ngài thêm: "Ðiều ta cho mầy được làm là khoét một cái lỗ trong vách để đánh dấu việc mầy đi khỏi đây."
Cha vừa dứt lời, một tiếng ào ào vang lên, và người ta thấy một lỗ hổng nơi vách.
Vôi đá gì bít lại cũng vô hiệu. Chúa muốn cho nó làm chứng một sự lạ cho đến ngày cha Bosso khuyên trám lỗ bằng một bảng cẩm thạch có chạm hình thiên thần.
Ông trạng nhà ta, từ đó đổi đời, sống thánh thiện, và mỗi ngày, không những đọc một Kinh Mân Côi mà đọc hàng nghìn kinh ông cũng chưa cho là đủ.
Lời Nguyện
Kính lạy Mẹ Mân Côi, xin cho chúng con có tâm trạng như nhà luật sư; dâng Mẹ hằng nghìn Kinh Mân Côi mà cũng chưa cho là đủ.